Xuất khẩu lao động không những giải quyết vấn đề thất nghiệp, mà còn đem lại thu nhập cho không ít người lao động và đại đa số là lao động phổ thông. Tuy nhiên, đây cũng là một hình thức có không ít những rủi ro mà nếu người lao động không tìm hiểu kỹ càng trước khi quyết định thì sẽ dẫn tới những rủi ro khó lường trước.
1. Điều kiện đi làm việc ở nước ngoài
Trong những năm gần đây, hình thức xuất khẩu lao động sang các nước Nhật Bản, Đài Loan, Malaysia,… diễn ra khá phổ biến ở Việt Nam. Đây là hình thức cung ứng lao động ra nước ngoài theo hợp đồng có thời hạn, phục vụ nhu cầu nhân công cho các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo quy định tại Điều 42 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006, chỉ những người đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây mới được làm việc theo hình thức này:
– Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
– Tự nguyện đi làm việc ở nước ngoài;
– Có ý thức chấp hành pháp luật, tư cách đạo đức tốt;
– Đủ sức khỏe theo quy định của pháp luật Việt Nam và yêu cầu của nước tiếp nhận;
– Đáp ứng yêu cầu về trình độ ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác theo yêu cầu;
– Được cấp chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết;
– Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh (đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc có liên quan đến công tác điều tra tội phạm; đang có nghĩa vụ chấp hành bản án, quyết định xử phạt hành chính…).
2. 5 Lưu ý cần nhớ để tránh bị phạt
Làm việc ở nước ngoài đồng nghĩa với việc người lao động phải đánh đổi rất nhiều thứ có giá trị khác như phải sống xa gia đình, thay đổi điều kiện sinh hoạt, hay thậm chí phải mất một khoản tiền lớn cho phí dịch vụ.
Chính vì vậy, để tránh tổn thất cho chính bản thân và gia đình, người lao động cần lưu ý:
– Phải đăng ký hợp đồng cá nhân tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Nếu không đăng ký sẽ bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng.
– Không ở lại nước ngoài trái phép sau khi hết hạn hợp đồng lao động, hết hạn cư trú.
Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng và buộc phải về nước, đồng thời cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 02 năm.
– Không bỏ trốn khỏi nơi đang làm việc theo hợp đồng.
Nếu vi phạm sẽ bị phạt tương tự như hành vi ở lại nước ngoài trái phép.
– Phải đến nơi làm việc theo hợp đồng sau khi nhập cảnh.
Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng, buộc về nước và cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm.
– Không được lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc, lừa gạt người lao động Việt Nam khác ở lại nước ngoài trái quy định.
Nếu vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 80 – 100 triệu đồng và cấm đi làm việc ở nước ngoài trong thời hạn 05 năm.
(theo Điều 35 Nghị định 95/2013/NĐ-CP)
Có thể thấy, những vi phạm của lao động xuất khẩu không chỉ tổn hại về kinh tế cho chính bản thân và gia đình mà còn ảnh hưởng lớn đến hình ảnh của người Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế, gây khó khăn cho việc tiếp nhận lao động về sau.
Hơn hết, mỗi người lao động nên ý thức được vị trí và vai trò của mình khi làm việc ở nước ngoài, không đơn giản là việc tìm kiếm việc làm, tạo thu nhập cho mình, mà còn là việc giữ gìn hình ảnh đất nước và con người Việt Nam.
Xem thêm: Cách nhận biết công ty xuất khẩu lao động lừa đảo
Lao động xuất khẩu nên làm gì khi bị nợ lương, ngược đãi?
Tranh chấp với Công ty phải khiếu nại thế nào?
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!