Sa thải là hình thức kỷ luật cao nhất trong 3 hình thức kỷ luật lao động được quy định tại Bộ luật Lao động năm 2012. Hình thức này có được áp dụng với trường hợp người lao động tự ý nghỉ làm (nghỉ không phép)?
Khoản 3 Điều 126 Bộ luật Lao động 2012 quy định: Người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày cộng dồn trong 01 tháng hoặc 20 ngày cộng dồn trong 01 năm mà không có lý do chính đáng thì người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức kỷ luật sa thải.
Quy định trên được hướng dẫn tại Điều 31 Nghị định 05/2015/NĐ-CP như sau: Áp dụng hình thức xử lý kỷ luật sa thải với người lao động tự ý bỏ việc 05 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 30 ngày kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc hoặc 20 ngày làm việc cộng dồn trong phạm vi 365 ngày, kể từ ngày đầu tiên tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng.
Như vậy, nếu người lao động tự ý nghỉ làm không có lý do chính đáng từ 5 ngày/tháng hoặc 20 ngày/năm thì người sử dụng lao động có quyền áp dụng hình thức sa thải. Những trường hợp sau đây được coi là nghỉ làm có lý do chính đáng:
– Do thiên tai, hỏa hoạn mà người lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể có mặt để làm việc;
– Bản thân, bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố vợ, mẹ vợ, bố chồng, mẹ chồng, vợ hoặc chồng, con đẻ, con nuôi hợp pháp bị ốm có giấy xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh;
-Các trường hợp khác được quy định trong nội quy lao động.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!