Đã có không ít mâu thuẫn liên quan đến địa điểm làm việc, thậm chí, có những lao động đã phải nghỉ việc vì doanh nghiệp thay đổi nơi làm việc của mình. Pháp luật có cho phép doanh nghiệp làm việc này?
Người lao động được làm việc theo hợp đồng lao động
Theo Điều 23 Bộ luật Lao động 2012, một trong những nội dung bắt buộc phải có của hợp đồng lao động là địa điểm làm việc.
Cụ thể hơn, theo khoản 3 Điều 4 Nghị định 05 năm 2015, hợp đồng lao động sẽ có nội dung về phạm vi, địa điểm người lao động làm công việc đã thỏa thuận; trường hợp làm việc ở nhiều địa điểm khác nhau thì ghi các địa điểm chính.
Tuy nhiên, trong suốt quá trình làm việc, không phải bất cứ công việc nào người lao động cũng chỉ làm việc ở duy nhất một nơi theo hợp đồng lao động hoặc theo thỏa thuận khác ban đầu mà có thể điều động, luân chuyển đi nơi khác.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp phải báo cho người lao động biết trước ít nhất 03 ngày làm việc về việc thay đổi địa điểm làm việc.
Nếu được người lao động đồng ý thì hai bên tiến hành sửa đổi, bổ sung hợp đồng bằng việc ký phụ lục hợp đồng hoặc giao kết hợp đồng lao động mới.
Trường hợp không được người lao động đồng ý, không thỏa thuận được việc sửa đổi, bổ sung nội dung hợp đồng thì doanh nghiệp buộc phải tiếp tục thực hiện hợp đồng đã giao kết.
Và như vậy, chỉ khi có sự đồng ý của người lao động thì doanh nghiệp mới được thay đổi địa điểm làm việc đã thỏa thuận ban đầu.
Ép người lao động làm việc ở nơi khác, doanh nghiệp bị phạt
Pháp luật chỉ cho phép doanh nghiệp tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động. Do đó, nếu doanh nghiệp vẫn ép người lao động làm việc ở một địa điểm khác so với hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận ban đầu thì doanh nghiệp sẽ bị phạt.
Cụ thể trong trường hợp này, theo khoản 2 Điều 7 Nghị định 95 năm 2013 của Chính phủ, người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 03 – 07 triệu đồng.
Ngoài ra, để bảo vệ quyền lợi cho mình, người lao động có thể khiếu nại quyết định điều chuyển, thay đổi địa điểm làm việc của mình tới người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc làm đơn khiếu nại gửi tới Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Trường hợp doanh nghiệp vẫn không thay đổi quyết định thì người lao động có thể khởi kiện ra Tòa án để được giải quyết.
Bên cạnh đó, vẫn còn lựa chọn khác cho người lao động, đó là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điều 37 Bộ luật Lao động 2012 với điều kiện phải báo trước ít nhất 03 ngày làm việc.
Lúc này, người lao động vẫn được đảm bảo các chế độ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng như nhận lại sổ bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc, trợ cấp thất nghiệp nếu đáp ứng đủ điều kiện theo quy định…
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!