Để thỏa ước lao động có giá trị pháp lý, đảm bảo sự tôn trọng lẫn nhau giữa người lao động và người sử dụng lao động thì bản thỏa ước này phải được đăng ký với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
1. Điều kiện ký kết thỏa ước lao động tập thể
Theo Điều 73 Bộ luật Lao động 2012, thỏa ước lao động tập thể là kết quả thoả thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động mà hai bên đã đạt được thông qua thương lượng tập thể.
Điều đáng chú ý, việc thỏa thuận này dựa trên các quy định của pháp luật, do đó, nội dung thoả ước không được trái luật và phải có lợi hơn cho người lao động.
Kết quả thỏa thuận được ghi nhận bằng văn bản, do đại diện tập thể lao động (Chủ tịch công đoàn cơ sở hoặc Chủ tịch công đoàn cấp trên trực tiếp nơi chưa có công đoàn cơ sở) và người sử dụng lao động (người đại diện theo pháp luật hoặc cá nhân sử dụng lao động theo hợp đồng lao động) cùng ký kết khi có trên 50% số người của tập thể lao động biểu quyết tán thành.
Sau khi ký kết, thoả ước lao động tập thể phải được công bố cho mọi người lao động biết.
Lưu ý: Mọi chi phí cho việc thương lượng, ký kết, công bố… thỏa ước lao động tập thể đều do người sử dụng lao động chi trả.
2. Hồ sơ đăng ký thỏa ước lao động tập thể
Đăng ký thỏa ước với cơ quan quản lý Nhà nước là việc làm bắt buộc để bản thỏa ước có giá trị pháp lý và doanh nghiệp có thể áp dụng trên thực tế.
Theo quy định, để thuận lợi trong việc đăng ký, doanh nghiệp cần chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ dưới đây:
– Văn bản đăng ký thỏa ước lao động tập thể của doanh nghiệp
– Biên bản lấy ý kiến của tập thể lao động (Ghi rõ số người được lấy ý kiến, số người tán thành/không tán thành, tỷ lệ và những nội dung, điều khoản không tán thành)
– Bản thỏa ước lao động tập thể
– Giấy phép đăng ký kinh doanh (bản sao)
– Giấy ủy quyền (Trường hợp người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp không trực tiếp ký kết thỏa ước).
3. Trình tự, thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể
Thủ tục đăng ký thỏa ước lao động tập thể doanh nghiệp được thực hiện theo Quyết định 1858/QĐ-LĐTBXH như sau:
Bước 1: Doanh nghiệp chuẩn bị đầy đủ hồ sơ nêu trên và nộp cho Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp có trụ sở.
* Thời hạn nộp: Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày ký kết.
* Cách thức nộp: Trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Bước 2: Cơ quan quản lý Nhà nước về lao động lập sổ quản lý thỏa ước lao động tập thể.
Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được thỏa ước lao động tập thể, nếu phát hiện thỏa ước có nội dung trái luật hoặc ký kết không đúng thẩm quyền thì cơ quan quản lý Nhà nước có văn bản yêu cầu Tòa án tuyên bố thỏa ước vô hiệu, đồng thời gửi cho hai bên ký kết biết.
Trong suốt quá trình thực hiện thủ tục này, doanh nghiệp không phải chịu bất kỳ khoản phí, lệ phí nào và kết quả sẽ là công văn xác nhận việc nhận thỏa ước lao động tập thể hoặc công văn thông báo về việc thỏa ước lao động tập thể có nội dung trái pháp luật.
4. Hiệu lực của bản thỏa ước
Tương tự như hợp đồng lao động, ngày có hiệu lực của bản thoả ước là ngày được ghi trong thoả ước. Trường hợp không ghi ngày có hiệu lực thì thỏa ước sẽ có hiệu lực kể từ ngày các bên ký kết.
Theo Điều 85 Bộ luật Lao động 2012, thoả ước lao động tập thể của doanh nghiệp có thời hạn từ 01 – 03 năm. Đối với doanh nghiệp lần đầu ký thoả ước thì có thể ký kết với thời hạn dưới 01 năm.
Trong vòng 03 tháng trước ngày thoả ước hết hạn, hai bên có thể thương lượng để kéo dài thời hạn hoặc ký kết thoả ước mới.
Khi thoả ước hết hạn mà hai bên vẫn tiếp tục thương lượng, thì thoả ước cũ vẫn được tiếp tục thực hiện trong thời gian không quá 60 ngày.
Ngoài ra, trong quá trình làm việc, các bên đều có quyền yêu cầu sửa đổi, bổ sung thoả ước sau 03 tháng thực hiện đối với thoả ước có thời hạn dưới 01 năm và sau 06 tháng thực hiện đối với thoả ước có thời hạn từ 01 – 03 năm.
Bên cạnh đó, nếu pháp luật thay đổi dẫn đến nội dung của thỏa ước không còn phù hợp thì trong vòng 15 ngày, kể từ ngày quy định của pháp luật có hiệu lực thì hai bên phải tiến hành sửa đổi, bổ sung thỏa ước.
5. Doanh nghiệp bị phạt nếu vi phạm quy định về thỏa ước
Thỏa ước lao động tập thể không chỉ là sự quản lý của cơ quan Nhà nước đối với các doanh nghiệp mà còn là sự đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
Do vậy, với những doanh nghiệp vi phạm các quy định của pháp luật về thỏa ước lao động đều có thể bị phạt theo Điều 12 Nghị định 95/2013/NĐ-CP:
– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng:
+ Không gửi thỏa ước đến Sở Lao động Thương binh và Xã hội;
+ Không trả chi phí cho việc thương lượng, ký kết, sửa đổi, bổ sung, gửi và công bố thỏa ước lao động tập thể;
+ Không công bố nội dung của thỏa ước cho người lao động biết.
– Phạt tiền từ 03 – 05 triệu đồng:
+ Không cung cấp thông tin về tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh khi tập thể lao động yêu cầu để tiến hành thương lượng tập thể;
+ Không tiến hành thương lượng để ký kết hoặc sửa đổi, bổ sung thỏa ước khi nhận được yêu cầu của tập thể lao động.
– Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng:
Thực hiện nội dung thỏa ước đã bị tuyên bố vô hiệu.
Trên đây là những hướng dẫn chi tiết và các thông tin hữu ích liên quan đến việc đăng ký thỏa ước lao động tập thể mà mọi doanh nghiệp cần nắm chắc.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!