Hợp đồng học việc là gì? Liệu doanh nghiệp có được ký hợp đồng học việc không? Bởi hiện nay có rất nhiều doanh nghiệp tuyển dụng người lao động chưa có tay nghề vào học việc và để làm việc cho mình.
1. Hợp đồng học việc là gì?
Theo Bộ luật Lao động năm 2012 và các văn bản hướng dẫn có liên quan thì không có bất cứ quy định nào về việc học việc.
Tuy nhiên, trên thực tế, xét về bản chất, “học việc” có sự tương đồng với “học nghề”. Đây đều là việc trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng để ứng dụng, thực hành làm một công việc nào đó.
Vì vậy, có thể coi hợp đồng học việc là một dạng của hợp đồng học nghề. Và theo quy định tại Điều 16 Nghị định 139/2006/NĐ-CP, hợp đồng học nghề là sự thỏa thuận về quyền và nghĩa vụ giữa người đứng đầu cơ sở dạy nghề với người học nghề.
2. Có được ký hợp đồng học việc?
Như đã đề cập ở trên, hợp đồng học việc là một dạng của hợp đồng học nghề. Do vậy, theo quy định của Bộ luật Lao động 2012, doanh nghiệp và người học việc được quyền ký hợp đồng học việc. Tuy nhiên, phải tuân thủ một số yêu cầu dưới đây:
– Người học việc phải đủ 14 tuổi và có sức khoẻ phù hợp với nghề.
– Hợp đồng học nghề phải có 06 nội dung chủ yếu:
+ Nghề đào tạo;
+ Địa điểm đào tạo, thời hạn đào tạo;
+ Chi phí đào tạo;
+ Thời hạn người lao động cam kết phải làm việc cho người sử dụng lao động sau khi được đào tạo;
+ Trách nhiệm hoàn trả chi phí đào tạo;
+ Trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Ngoài các nội dung trên, hai bên có thể thoả thuận các nội dung khác phù hợp với điều kiện thực tế nhưng không được trái pháp luật và đạo đức xã hội.
(Điều 62 Bộ luật Lao động 2012)
3. Quyền lợi của người lao động trong thời gian học việc
Dù ban đầu chưa có kiến thức, kĩ năng hay kinh nghiệm làm việc, tuy nhiên, công sức mà người học việc bỏ ra trong thời gian này cũng cần được ghi nhận. Theo đó:
– Không phải đóng học phí khi được tuyển vào học việc để làm việc cho doanh nghiệp;
– Trong thời gian học việc, nếu người học việc trực tiếp hoặc tham gia lao động làm ra sản phẩm hợp quy cách, thì được doanh nghiệp trả lương theo mức do hai bên thoả thuận;
– Được tạo điều kiện tham gia đánh giá kỹ năng nghề để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia;
– Hết thời gian học việc, được ký kết hợp đồng lao động khi đủ điều kiện.
Tuy nhiên, người học việc cũng cần lưu ý, khi doanh nghiệp tuyển người vào học việc để làm việc tại doanh nghiệp, nếu người học việc không làm việc theo cam kết thì phải bồi thường chi phí theo thỏa thuận hoặc xác định trong hợp đồng học việc.
(Điều 61 Bộ luật Lao động 2012)
Những quy định trên đây không chỉ hữu ích cho riêng người lao động mà còn cho cả doanh nghiệp khi học việc đang là một trong những cách tìm kiếm việc làm phổ biến nhất hiện nay.
Ngoài ra, để nắm rõ các quy định của pháp luật lao động hiện hành để đảm bảo quyền lợi cho mình khi bước chân vào thị trường lao động, bạn đọc có thể tham khảo chuyên mục Lao động của Kiến thức luật.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!