Bắn tốc độ là việc cảnh sát giao thông (CSGT) sử dụng thiết bị chuyên dùng có chức năng tính toán tốc độ của xe trên một đoạn đường nhất định, từ đó xác định phương tiện có vi phạm về tốc độ hay không. Súng bắn tốc độ – loại súng duy nhất bắn không đau mà còn có khả năng ghi lại hình ảnh của đối tượng đo và còn khiến người bị bắn bị… mất tiền
1. Cảnh sát giao thông được mặc thường phục khi bắn tốc độ
Hiện nay, CSGT được tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang trong 02 trường hợp sau theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 01/2016/TT-BCA:
- Hóa trang sử dụng các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ, nhằm nâng cao hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông;
- Đấu tranh phòng, chống tội phạm; khi tình hình an ninh, trật tự hoặc trật tự, an toàn giao thông phức tạp.
Trong đó, các phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để phát hiện vi phạm giao thông đường bộ như: Máy đo tốc độ có ghi hình ảnh; Phương tiện đo nồng độ cồn trong hơi thở; Thiết bị ghi âm và ghi hình; Thiết bị phát hiện giấy tờ, tài liệu giả… (Phụ lục kèm theo Nghị định 165/2013).
Như vậy, CSGT được mặc thường phục để bắn tốc độ, đo nồng độ cồn…
* Cảnh sát giao thông mặc thường phục không được trực tiếp xử phạt
Việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang khi thỏa mãn đầy đủ 03 điều kiện sau:
– Phải có kế hoạch tuần tra, kiểm soát được Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông, Giám đốc Công an cấp tỉnh trở lên hoặc Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Trưởng Công an cấp huyện phê duyệt.
Nội dung kế hoạch phải nêu rõ:
+ Phương pháp thực hiện, lực lượng, phương thức liên lạc, thời gian, địa bàn tuần tra, kiểm soát;
+ Phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ được sử dụng để tuần tra, kiểm soát.
– Phải bố trí một bộ phận cán bộ trong Tổ để mặc thường phục thực hiện nhiệm vụ giám sát tình hình trật tự giao thông, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Khi phát hiện vi phạm phải thông báo ngay cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai để tiến hành kiểm soát, xử lý theo quy định của pháp luật.
– Nghiêm cấm lạm dụng việc tuần tra, kiểm soát công khai kết hợp với hóa trang để sách nhiễu, gây phiền hà, làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, cơ quan, tổ chức.
Theo đó, CSGT mặc thường phục chỉ thực hiện nhiệm vụ giám sát, phát hiện vi phạm và sẽ không được trực tiếp xử phạt mà phải thông báo cho bộ phận tuần tra, kiểm soát công khai trong Tổ tuần tra, kiểm soát để xử lý.
2. Cảnh sát giao thông được bắn tốc độ ở đâu?
Thiết bị đo tốc độ có ghi hình ảnh (máy bắn tốc độ) được lắp đặt cố định trên tuyến giao thông đường bộ để giám sát trực tuyến tình hình trật tự, an toàn giao thông và tự động ghi nhận bằng hình ảnh của người, phương tiện vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ (điểm a khoản 1 Điều 10 Thông tư 01/2016/TT-BCA).
Theo đó, khi các thiết bị này ghi nhận được hành vi vi phạm, hệ thống tự động truy cập, truyền dữ liệu đến Tổ tuần tra, kiểm soát để lưu giữ và phục vụ công tác kiểm soát, xử lý vi phạm.
Khi đó, CSGT dừng phương tiện để kiểm tra và xử lý theo quy định. Nếu người vi phạm yêu cầu xem hình ảnh về hành vi vi phạm thì phải cho xem ngay; nếu chưa có ngay hình ảnh thì hướng dẫn họ đến bộ phận xử lý để được xem.
Như vậy, CSGT có quyền kiểm soát giao thông (trong đó có tốc độ) thông qua hệ thống giám sát lắp đặt cố định hoặc thông qua các phương tiện thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ một cách cơ động ở bất cứ đoạn đường nào theo chỉ đạo.
3. Chạy quá tốc độ bị phạt bao nhiêu tiền:
Theo Nghị định 46/2016, mức phạt đối với hành vi chạy quá tốc độ như sau:
+ Với người điều khiển ô tô:
- Chạy quá tốc độ từ 5 – 10km/h: Phạt 600.000 đồng – 800.000 đồng
- Chạy quá tốc độ từ 10 – 20km/h: Phạt từ 2 – 3 triệu đồng
- Chạy quá tốc độ từ trên 20 – 35km/h: Phạt từ 5 – 6 triệu đồng
- Chạy quá tốc độ từ trên 35km/h: Phạt từ 7 – 8 triệu đồng
+ Với người điều khiển xe máy:
- Chạy quá tốc độ từ 5 – dưới 10km: Phạt 100.000 – 200.000 đồng
- Chạy quá tốc độ từ 10 – 20km/h: Phạt từ 500.000 – 01 triệu đồng
- Chạy quá tốc độ từ 20km/h trở lên: Phạt từ 03 – 04 triệu đồng
Trên đây là nội dung giải đáp thắc mắc về việc ” Cảnh sát giao thông có được bắn tốc độ khi mặc thường phục không?”
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!