Theo Điều 3 của Pháp lệnh Cảnh sát cơ động 2013, cảnh sát cơ động thuộc Công an nhân dân, là lực lượng nòng cốt thực hiện biện pháp vũ trang bảo vệ an ninh, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
Với chức năng, vai trò như trên, cảnh sát cơ động có nhiệm vụ tổ chức tuần tra, kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội và tiến hành một số hoạt động điều tra theo quy định, trong đó có việc xử lý các hành vi vi phạm lĩnh vực giao thông đường bộ.
Thông thường, cảnh sát cơ động thường tuần tra vào buổi đêm và chia theo ca: Ca 1 bắt đầu từ 21 giờ đến 01 giờ ngày hôm sau; ca 2 bắt đầu từ 01 giờ đến 05 sáng. Vào mùa đông, thời gian kết thúc tuần tra của ca 1 là 02 giờ và thời gian bắt đầu tuần tra của ca 2 là từ 02 giờ sáng.
Tuy nhiên, tùy theo tình hình thực tế, cảnh sát cơ động có thể được huy động để tuần tra, kiểm tra và xử lý vi phạm từ 17 giờ, 18 giờ hay 19 giờ và kết thúc muộn hơn so với giờ thông thường.
Cảnh sát cơ động được phạt những lỗi nào?
Điều 70 Nghị định 46 năm 2016 quy định khá cụ thể về các lỗi vi phạm giao thông mà cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt. Trong đó, có một số lỗi cụ thể như sau:
Với người điều khiển ô tô:
– Bấm còi trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, trừ các xe ưu tiên: Phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng;
– Bấm còi, rú ga liên tục; bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ các xe ưu tiên: Phạt 600.000 đồng – 800.000 đồng;
– Đi vào đường cấm, khu vực cấm; đi ngược chiều: Phạt 800.000 đồng – 1,2 triệu đồng;
– Lái xe sau khi uống rượu bia, có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định: Phạt 2 – 8 triệu đồng;
– Lái xe lạng lách, đánh võng; chạy quá tốc độ đuổi nhau trên đường; dùng chân điều khiển vô lăng xe khi xe đang chạy trên đường: Phạt từ 7 – 8 triệu đồng
Với người điều khiển xe máy:
– Bấm còi trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 05 giờ ngày hôm sau, sử dụng đèn chiếu xa trong đô thị, khu đông dân cư, trừ xe ưu tiên: Phạt từ 80.000 đồng – 100.000 đồng;
– Dừng xe, đỗ xe ở lòng đường đô thị gây cản trở giao thông; tụ tập từ 03 xe trở lên ở lòng đường, trong hầm đường bộ: Phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng;
– Chuyển hướng không giảm tốc độ hoặc không bật “xi nhan”: Phạt 300.00 đồng – 400.000 đồng;
– Lái xe khi đã uống rượu, bia, có nồng độ cồn trong máu vượt mức quy định: Phạt 1 – 4 triệu đồng;
– Đang chạy xe nhưng không gạt chân chống: Phạt 02 – 03 triệu đồng…
Trên đây chỉ là một số lỗi vi phạm giao thông phổ biến mà cảnh sát cơ động có thẩm quyền xử phạt. Theo quy định tại Điều 70 của Nghị định 46/2016/NĐ-CP, cảnh sát cơ động còn có thẩm quyền xử phạt với nhiều hành vi khác.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!