Địa chỉ giải quyết các chế độ bảo hiểm người lao động cần nhớ

Dù được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tuy nhiên, thực tế, người lao động vẫn là bên yếu thế trong quan hệ lao động. Chính vì vậy, để bảo vệ mình, người lao động hãy nhớ những địa chỉ mà Kiến thức luật chia sẻ dưới đây.

Địa chỉ giải quyết các chế độ bảo hiểm người lao động cần nhớ

1. Nơi khiếu nại các vấn đề phát sinh khi thực hiện hợp đồng

Căn cứ pháp lý: Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

– Người sử dụng lao động: Giải quyết khiếu nại lần đầu đối với quyết định, hành vi về lao động, an toàn, vệ sinh lao động của mình.

– Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính: Giải quyết khiếu nại lần hai đối với khiếu nại về lao động, an toàn, vệ sinh lao động khi người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết lần đầu hoặc đã hết thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết.

2. Nơi tố cáo các vấn đề phát sinh khi thực hiện hợp đồng

Căn cứ pháp lý: Điều 39 Nghị định 24/2018/NĐ-CP.

Chánh Thanh tra Sở Lao động Thương binh và Xã hội: Giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về lao động, an toàn, vệ sinh lao động thuộc phạm vi quản lý của Sở Lao động Thương binh và Xã hội.

3. Nơi khởi kiện người sử dụng lao động

Căn cứ pháp lý: Điều 40 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015.

Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

Ngoại trừ tranh chấp về bồi thường thiệt hại, trợ cấp khi chấm dứt hợp đồng lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, quyền và lợi ích liên quan đến việc làm, tiền lương, thu nhập và các điều kiện lao động khác, nếu nguyên đơn là người lao động thì có thể yêu cầu Tòa án nơi mình cư trú, làm việc giải quyết.

4. Nơi nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Căn cứ pháp lý: Quyết định 166/QĐ-BHXH.

– Đơn vị sử dụng lao động: Nếu người lao động đang làm việc.

– Cơ quan bảo hiểm xã hội huyện/tỉnh nơi đơn vị sử dụng lao động tham gia bảo hiểm xã hội: Nếu người lao động đã thôi việc trước khi hưởng chế độ.
 

5. Nơi nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp

Căn cứ pháp lý: Điều 46 Luật Việc làm năm 2013.

Trung tâm dịch vụ việc làm do cơ quan quản lý Nhà nước về việc làm thành lập: Người lao động trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trung tâm dịch vụ việc làm tại địa phương nơi muốn nhận trợ cấp thất nghiệp.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!