Hết hợp đồng thử việc có đương nhiên chuyển sang hợp đồng chính thức?

Hết thử việc có đương nhiên trở thành nhân viên chính thức? Đây là thắc mắc của không ít người lao động, đặc biệt là các bạn sinh viên mới ra trường và lần đầu đi làm.

Hết hợp đồng thử việc có đương nhiên chuyển sang hợp đồng chính thức?

1. Mỗi công việc chỉ được thử việc 1 lần

Theo quy định tại Điều 27 Bộ luật Lao động 2012, người lao động chỉ phải thử việc 01 lần đối với mỗi công việc và thời gian thử việc sẽ căn cứ vào tính chất và mức độ phức tạp của công việc:

– Không quá 60 ngày với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

– Không quá 30 ngày với công việc cần trình độ chuyên môn kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ;

– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Riêng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ thì không phải thử việc.

2. Hết thời gian thử việc, phải thông báo kết quả

Thử việc là khoảng thời gian quý giá mà doanh nghiệp và người lao động đánh giá lẫn nhau để quyết định có chính thức tạo lập mối quan hệ lao động này hay không.

Do đó, trong vòng 03 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết kết quả công việc làm thử, trừ công việc có thời gian thử việc tối đa 06 ngày thì báo ngay khi kết thúc thử việc.

Trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

(theo Điều 7 Nghị định 05/2015/NĐ-CP).

Nếu hết thời gian thử việc mà người sử dụng lao động không có bất cứ “động tĩnh” nào về việc thông báo kết quả hay việc ký kết hợp đồng chính thức thì người lao động không nên “ảo tưởng” là đã chuyển sang hợp đồng lao động chính thức.

Thay vào đó, để bảo vệ quyền lợi cho mình, người lao động nên trực tiếp liên hệ với bộ phận nhân sự nơi mình làm việc để biết rõ kết quả thử việc và ý định của doanh nghiệp.

Việc làm này thực sự quan trọng bởi lẽ, hết thời gian thử việc mà người lao động vẫn tiếp tục chờ đợi và làm việc thì các quyền lợi theo quy định của Bộ luật Lao động rất khó được đảm bảo.

Đặc biệt, do chưa có hợp đồng lao động nên doanh nghiệp có thể hủy bỏ thỏa thuận, đơn phương chấm dứt hợp đồng với người lao động bất cứ lúc nào.

Bên cạnh đó, theo Luật Bảo hiểm xã hội 2014, người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 01 tháng trở lên đã phải tham gia bảo hiểm xã hội. Do đó, nếu doanh nghiệp không ký hợp đồng lao động, đương nhiên người lao động sẽ không được hưởng các chế độ như ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp…

3. Không ký hợp đồng, doanh nghiệp bị phạt

Nhằm ngăn chặn tình trạng tận dụng, bóc lột sức lao động của người lao động, khoản 5 Điều 1 Nghị định 88/2015/NĐ-CP nêu rõ 02 mức xử phạt đối với doanh nghiệp có hành vi vi phạm các quy định về thử việc. Cụ thể:

– Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng – 01 triệu đồng:

+ Yêu cầu thử việc với người làm việc theo hợp đồng lao động mùa vụ;

+ Không thông báo kết quả thử việc.

– Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng:

+ Yêu cầu người lao động thử việc quá 01 lần đối với 01 công việc;

+ Thử việc quá thời gian quy định;

+ Trả lương thử việc thấp hơn 85% mức lương của công việc đó;

+ Kết thúc thời gian thử việc, người lao động vẫn tiếp tục làm việc mà không giao kết hợp đồng lao động.

Như vậy, với những thông tin nêu trên, không chỉ người lao động mà các doanh nghiệp cũng không nên bỏ qua để bảo đảm quyền lợi cho mình cũng như tránh việc bị xử phạt.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!