Hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài

Hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài được pháp luật quy định như thế nào? So sánh quy định về hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài trong Luật Nhà ở 2005 với Luật Nhà ở 2014? Hãy cùng Kiến thức luật tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

Hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài

Hình thức sở hữu và các quyền sở hữu nhà tại Việt Nam của người nước ngoài quy định tại Luật nhà ở 2014  có sự mở rộng hơn Luật nhà ở 2005.

Theo quy định tại điều 125 Luật nhà ở 2005 thì:

“Tổ chức, cá nhân nước ngoài chỉ được sở hữu nhà được xây dựng để cho thuê và để bán“.

Trong khi theo quy định tại khoản 2 điều 159 Luật nhà ở 2014 thì:

“Cá nhân, tổ chức nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam dưới các hình thức: đầu tư xây dựng nhà ở theo dự án tại Việt Nam; mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại bao gồm căn hộ chung cư và nhà ở riêng lẻ trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở, trừ khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh”.

Đối với quyền của chủ sở hữu nhà ở:

Theo Điều 129 Luật nhà ở 2005:

“Cá nhân, tổ chức nước ngoài có quyền: thế chấp nhà ở tại các tổ chức tín dụng được phép hoạt động tại Việt Nam; bán, tặng cho, để thừa kế nhà ở cho tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hơp tặng cho, để thừa kế đối với đối tượng khác thì đối tượng này chỉ được hưởng giá trị của nhà ở đó”.

Bàn giao nhà ở để cho thuê và số lượng nhà chưa bán hết không thuộc diện phải phá dỡ cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà ở đó khi Giấy chứng nhận đầu tư hết hạn.

Còn theo điều 161 Luật nhà ở 2014 thì tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền của chủ sở hữu như công dân Việt Nam trừ trường hợp nếu nhà ở xây dựng trên đất thuê thì chỉ được quyền cho thuê nhà ở. Điểm hạn chế đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài là về số lượng nhà ở được sở hữu. Chẳng hạn như cá nhân, tổ chức nước ngoài chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 30% số lượng căn hộ trong một tòa chung cư, nếu là nhà ở riêng lẻ bao gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề thì trên một khu vực có số dân tương đương một đơn vị hành chính cấp phường thì chỉ được mua, thuê mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế và sở hữu không quá 250 căn nhà; được sở hữu nhà theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua, tặng cho nhận thừa kế nhà ở nhưng tối đa không có 50 năm, kể từ ngày cấp giấy chứng nhận và có thể được gia hạn thêm theo quy định của Chính phủ nếu như có nhu cầu…

Trên đây là nội dung tìm hiểu của Kiến thức luật về hình thức sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người nước ngoài được quy định thế nào trong Luật Nhà ở 2005 so với Luật Nhà ở 2014.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!