Khiếu nại đất đai là gì? Đối tượng khiếu nại?

Khiếu nại đất đai là gì? Đối tượng khiếu nại?

Căn cứ:

– Luật Đất đai 2013.

– Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn Luật Đất đai.

– Luật Khiếu nại 2011.

Khiếu nại đất đai là gì?

Căn cứ khoản 1 Điều 2 Luật Khiếu nại 2011 quy định về khiếu nại thì khiếu nại đất đai được hiểu như sau:

– Khiếu nại về đất đai là việc người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất theo thủ tục của Luật Khiếu nại đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xem xét lại quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai của cơ quan hành chính Nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính Nhà nước khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính đó trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

Để thực hiện quyền khiếu nại về đất đai thì người dân phải biết được ai có quyền khiếu nại (người khiếu nại), đối tượng khiếu nại, thẩm quyền giải quyết khiếu nại, cụ thể:

– Người khiếu nại gồm: Người sử dụng đất; người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất; người được ủy quyền:

Người sử dụng đất gồm:

+ Hộ gia đình, cá nhân trong nước.

+ Tổ chức sử dụng đất như: Cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, tổ chức sự nghiệp công lập và tổ chức khác theo quy định của pháp luật về dân sự.

+ Cộng đồng dân cư.

+ Cơ sở tôn giáo.

+ Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại.

+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

+ Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất như:

+ Người nhận tặng cho quyền sử dụng đất.

+ Người nhận chuyển nhượng (người mua đất) quyền sử dụng đất…

(Khi nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho mà làm thủ tục đăng ký biến động (thủ tục sang tên giấy chứng nhận) mà bị từ chối, chậm thực hiện…thì có quyền khiếu nại).

Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện việc khiếu nại, cụ thể:

+ Tự mình khiếu nại: Người sử dụng đất, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến sử dụng đất có quyền tự mình viết đơn và thực hiện khiếu nại theo thủ tục quy định.

+ Người đại diện theo pháp luật của người sử dụng đất thực hiện việc khiếu nại (chỉ áp dụng khi người sử dụng đất là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự).

+ Trường hợp người khiếu nại ốm đau, già yếu, có nhược điểm về thể chất hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tự mình khiếu nại thì được ủy quyền cho cha, mẹ, vợ, chồng, anh, chị, em ruột, con đã thành niên hoặc người khác có năng lực hành vi dân sự đầy đủ để thực hiện việc khiếu nại.

+ Ủy quyền cho luật sư thực hiện khiếu nại để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

khiếu nại đất  đai là gì?

– Đối tượng khiếu nại:

Theo khoản 1 Điều 204 Luật Đất đai 2013 đối tượng khiếu nại đất đai là quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai, cụ thể:

+ Quyết định giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

+ Quyết định bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư.

+ Quyết định cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Ví dụ: Hộ gia đình, cá nhân có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai và Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP nhưng khi làm hồ sơ yêu cầu cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì bị từ chối cấp giấy chứng nhận hoặc tiếp nhận hồ sơ nhưng quá thời hạn mà không cấp thì hộ gia đình, cá nhân có quyền khiếu nại.

+ Quyết định gia hạn thời hạn sử dụng đất.

+ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai…

Hành vi hành chính về quản lý đất đai: Là hành vi của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc thuộc thẩm quyền để ban hành các quyết định quản lý hành chính về đất đai với các hành vi thường gặp như: Chậm thực hiện, thực hiện không đúng, không thực hiện, gây khó dễ cho người sử dụng đất khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận, chuyển mục đích sử dụng đất…

Như vậy, đối tượng bị khiếu nại theo Luật Đất đai 2013 và các văn bản hướng dẫn không quy định cụ thể từng loại quyết định, hành vi. Trên đây là những quyết định, hành vi hành chính về quản lý đất đai chủ yếu, thường gặp. Hy vọng qua bài viết này của kiến thức luật có thể giúp bạn đọc hiểu hơn về khiếu nại đất đai.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!