Hiện nay có rất nhiều người lao động lựa chọn con đường xuất khẩu lao động với mong muốn có thu nhập tốt hơn, có thể có khả năng kinh tế để lo cho gia đình. Tuy nhiên, cuộc sống lao động ở nơi đất khách quê người chưa bao giờ là màu hồng như chúng ta vẫn thường nghĩ. Vì trở ngại ngôn ngữ, vì phần lớn người lao động đều là lao động phổ thông nên quá trình làm việc ở nước ngoài có không ít trường hợp người lao động bị chèn ép, ngược đãi, thậm chí không được sắp xếp công việc như trong hợp đồng, không được trả lương. Vậy người lao động đi làm việc ở nước ngoài cần làm gì để bảo vệ mình phòng khi bị nợ lương, ngược đãi… ở nơi đất khách quê người?
1. Trách nhiệm của doanh nghiệp khi người lao động ở nước ngoài
Ngoài các nghĩa vụ đối với cơ quan Nhà nước, người lao động trước khi đi xuất khẩu, các doanh nghiệp dịch vụ còn có trách nhiệm với người lao động trong suốt quá trình làm việc và cho tới khi về nước. Cụ thể theo khoản 2 Điều 27 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng:
– Quản lý, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;
– Phối hợp với bên nước ngoài giải quyết các vấn đề phát sinh khi người lao động chết, bị tai nạn lao động, tai nạn rủi ro, bệnh nghề nghiệp, bị xâm hại tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các tranh chấp liên quan đến người lao động;
– Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài quản lý và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
Chính vì vậy, khi có bất cứ chuyện gì xảy ra liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình thì việc đầu tiên mà người lao động nên làm là liên hệ với doanh nghiệp dịch vụ đã đưa mình đi làm việc ở nước ngoài.
2. Doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm, người lao động nên làm gì?
Nếu doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chối bỏ trách nhiệm, không hỗ trợ, bảo vệ quyền lợi cho người lao động thì người lao động có thể khiếu nại hoặc khởi kiện tại Tòa án để đòi lại công bằng cho mình.
Theo Điều 7 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, trong vòng 180 ngày kể từ khi nhận thấy doanh nghiệp dịch vụ không bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho mình, người lao động thực hiện khiếu nại lần đầu tới người đứng đầu doanh nghiệp dịch vụ này.
Trường hợp vì ốm đau, thiên tai, địch họa… hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian trở ngại đó không tính vào thời gian khiếu nại.
Nếu quá 30 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại (với vụ việc phức tạp thì quá 45 ngày) mà doanh nghiệp dịch vụ không giải quyết hoặc giải quyết không thỏa đáng thì người lao động khiếu nại lần hai tới Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp có trụ sở.
Nếu vẫn ở nước ngoài và trong trường hợp cấp thiết, có thể nguy hiểm tới tính mạng, sức khỏe và tài sản của mình thì hơn hết, người lao động nên liên hệ, báo cáo trực tiếp với đại sứ quán của Việt Nam tại nước sở tại để được bảo vệ một cách tốt nhất.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!