Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước?

Người sử dụng lao động và người lao động có quyền thỏa thuận về việc làm thử, quyền, nghĩa vụ của hai bên trong thời gian thử việc. Nếu người lao động nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước?

Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước?

1. Chỉ được thử việc 01 lần với một công việc

Theo Điều 27 Bộ luật Lao động 2012, thời gian thử việc căn cứ vào tính chất, mức độ phức tạp của công việc nhưng chỉ được thử việc 01 lần đối với một công việc.

Thời gian thử việc tối đa:

– Không quá 60 ngày đối với công việc cần trình độ từ cao đẳng trở lên;

– Không quá 30 ngày đối với công việc cần trình độ trung cấp;

– Không quá 06 ngày làm việc đối với công việc khác.

Doanh nghiệp yêu cầu lao động thử việc quá 01 lần hoặc quá thời gian quy định bị phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng và buộc trả đủ 100% tiền lương cho người lao động (Điều 6 Nghị định 95/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 88/2015/NĐ-CP).

2. Nghỉ việc trong thời gian thử việc có phải báo trước?

Theo Điều 29 Bộ luật Lao động 2012, trong thời hạn 03 ngày khi kết thúc thời gian thử việc đối với người lao động làm công việc cần trình độ từ trung cấp, cao đẳng trở lên, người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động kết quả công việc người lao động đã làm thử.

Trường hợp công việc làm thử đạt yêu cầu thì khi kết thúc thời gian thử việc, người sử dụng lao động phải giao kết ngay hợp đồng lao động với người lao động.

Đồng thời khoản 2 Điều này cũng chỉ rõ, trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ thỏa thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thỏa thuận.

Như vậy trong thời gian thử việc, người lao động có quyền nghỉ mà không cần phải báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!