Tranh chấp đất đai là một trong những loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trong xã hội ngày nay. Khi một vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra, dù là khởi kiện hay tố cáo, thì người sử dụng đất đều mong muốn bảo vệ được tài sản đất đai và các quyền lợi đối với đất trước hành vi xâm phạm của người khác. Tuy nhiên, không phải lúc nào đương sự trong một vụ việc tranh chấp đất đai đều hiểu và nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đúng cơ quan có thẩm quyền. Chính vì vậy, việc xác định cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là vấn đề mà nhiều người sử dụng đất còn băn khoăn. Để giải quyết vấn đề này, trong phạm vi bài viết này, Kiến thức luật sẽ đề cập đến các quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành.
Về vấn đề thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, hiện nay pháp luật đất đai hiện hành đã quy định cụ thể tại Luật Đất đai năm 2013. Cụ thể như sau:
1. Khái quát chung về khái niệm giải quyết tranh chấp đất đai
“Tranh chấp”, dù được diễn ra trong bất kỳ lĩnh vực nào, là lĩnh vực lao động, dân sự, thương mại hay đất đai đều cho thấy sự mâu thuẫn, bất đồng về quan điểm, sự tranh giành về quyền và lợi ích giữa các chủ thể về một vấn đề. Đối với tranh chấp đất đai, tại khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013 có định nghĩa về khái niệm này như sau:
Tranh chấp đất đai được hiểu là sự xung đột, mâu thuẫn, tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong mối quan hệ về việc sử dụng đất đai.
Trên cơ sở khái niệm này, có thể xác định, tranh chấp đất đai có thể thể hiện thành các dạng sau đây:
– Tranh chấp giữa những người sử dụng đất với nhau: Dạng tranh chấp này thường được thể hiện thông qua các vụ việc tranh chấp về lối đi chung, ngõ đi chung, về chủ sở hữu quyền sử dụng đất, tranh chấp về ranh giới đất… Đây là dạng tranh chấp khá phổ biến trên thực tế, và biểu hiện khá đa dạng.
– Tranh chấp về các loại hợp đồng về đất: Dạng tranh chấp này thường được thể hiện qua việc tranh chấp về các quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng về đất đai, hay liên quan đến việc thực hiện các loại hợp đồng về đất (như hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán đất nền trong dự án, Hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất…). Dạng tranh chấp này cũng là một loại tranh chấp diễn ra khá phổ biến trên thực tế khi thị trường nhà đất, thị trường bất động sản diễn ra khá sôi động mà các bên trong tranh chấp không phải lúc nào cũng là người hiểu rõ các quy định của pháp luật, trong khi đất đai là loại tài sản có giá trị lớn, liên quan nhiều đến quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia giao dịch về đất đai.
– Tranh chấp xảy ra trong quá trình sử dụng đất giữa người sử dụng đất và Nhà nước. Dạng tranh chấp này thường được diễn ra trong các trường hợp người dân không đồng ý về việc thu hồi đất hoặc về phương án bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất khi họ cảm thấy bị mất đất để canh tác, ở trong khi không được bồi thường thỏa đáng. Việc tranh chấp đất đai ở dạng này cũng có thể xảy ra trong quá trình thực hiện việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu khi mà người dân không đồng ý với số tiền sử dụng đất mà họ phải nộp khi làm thủ tục để Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất của họ.
Cho dù xảy ra dưới dạng tranh chấp nào thì những vụ việc tranh chấp đất đai thường khá phức tạp, khó khăn bởi xuất phát từ tính chất đất đai là giá trị lớn, hồ sơ về việc quản lý đất đai thường khá phức tạp, cần phối hợp của nhiều cơ quan khác nhau. Do vậy, việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai là một trong những vấn đề cần được xác định rõ.
Còn “giải quyết tranh chấp đất đai” được hiểu là việc cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, đưa ra phương án giải quyết sau khi thực hiện việc điều tra xác minh, nghiên cứu hồ sơ vụ việc, hòa giải giữa các bên tranh chấp và tham mưu bởi các cơ quan có liên quan.
2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai
Hiện nay, quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định cụ thể tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tranh chấp đất đai gồm: Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ tài nguyên và môi trường hoặc Tòa án nhân dân các cấp. Mỗi một cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đều thực hiện quyền hạn của mình theo sự phân công, phân cấp cụ thể theo quy định của pháp luật. Cụ thể như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp huyện:
Căn cứ theo quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013, Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai xảy ra giữa hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau mà các bên trong tranh chấp (đương sự) không có một trong các giấy tờ pháp lý liên quan đến đất đai như Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng và quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc một trong các giấy tờ được quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng họ lựa chọn Ủy ban nhân dân dân là cơ quan giải quyết tranh chấp đất đai.
Quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết đối với những vụ việc tranh chấp nêu trên là hợp lý. Bởi lẽ, những vụ việc tranh chấp đất đai giữa những hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư với nhau thường nhỏ lẻ, mang tính chất cục bộ, phù hợp với thẩm quyền giao đất, cấp đất và phạm vi quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Đồng thời, khi các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận về quyền sử dụng đất và không có các loại giấy tờ khác làm căn cứ xác định về nguồn gốc đất, về việc sử dụng đất hợp pháp của người sử dụng đất thì việc quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp huyện trong trường hợp này sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cơ quan này tiếp cận với các hồ sơ, tài liệu liên quan đến vụ việc đất đai, và sự tham vấn từ các cơ quan chuyên môn liên quan như Phòng tài nguyên và môi trường, Văn phòng đăng ký đất đai… thuận tiện hơn trong vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai.
- Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh:
Cũng trên cơ sở quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai được quy định tại Điều 203 Luật Đất đai năm 2013 thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai đối với những vụ việc tranh chấp đất đai thuộc vào một trong các trường hợp sau:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các giấy tờ về nguồn gốc đất quy định tại Điều 100 Luật Đất đai năm 2013 nhưng đương sự lựa chọn giải quyết tại Ủy ban nhân dân và trong đó, có một trong các bên tranh chấp (đương sự) là tổ chức, cơ sở tôn giáo; hoặc cá nhân người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
– Tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân cấp huyện nhưng đương sự không đồng ý với kết quả, hay quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, nay làm đơn khiếu nại gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Quy định về thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) cũng hoàn toàn phù hợp với thẩm quyền quản lý đất đai của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Đối với những vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và có đơn khiếu nại gửi đến Bộ Tài nguyên và Môi trường, thì trường hợp này, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
Sau khi Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường tiếp nhận đơn và giao cho các cơ quan chuyên môn điều tra xác minh hồ sơ vụ việc. Sau khi nhận đã được chỉnh lý từ các cơ quan chuyên môn thì Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường sẽ ra quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
Có thể thấy, trong các cơ quan hành chính quản lý về đất đai thì Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan có thẩm quyền cao nhất. Do vậy, khi các bên trong vụ việc tranh chấp lựa chọn hình thức giải quyết tranh chấp đất đai bằng thủ tục hành chính mà đã giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà vẫn không đạt được thỏa thuận, phương án giải quyết hợp lý thì việc người dân (các bên tranh chấp) có đề nghị để cơ quan cấp trên quản lý về đất đai, ở đây là Bộ Tài nguyên và Môi trường giải quyết là hoàn toàn phù hợp với sự phân cấp về thẩm quyền trong quản lý đất đai.
- Tòa án nhân dân các cấp:
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, cụ thể là Điều 230 Luật Đất đai năm 2013 thì Tòa án nhân dân sẽ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc tranh chấp đất đai như sau:
– Tranh chấp đất đai mà đương sự trong vụ việc tranh chấp có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai tiến hành theo Thủ tục tố tụng dân sự.
– Tranh chấp đất đai mà đương sự trong vụ việc tranh chấp không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất hoặc có một trong các giấy tờ chứng minh về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật đất đai, nhưng lựa chọn Tòa án nhân dân làm cơ quan giải quyết tranh chấp. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai tại Tòa án áp dụng theo thủ tục tố tụng dân sự.
– Tranh chấp đất đai mà đương sự đã lựa chọn Tòa án nhân dân là cơ quan giải quyết tranh chấp sau khi vụ việc tranh chấp đất đai đã được giải quyết tại Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Trường hợp này, việc giải quyết tranh chấp đất đai được thực hiện thủ tục hành chính.
Như vậy, thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật hiện hành đang thuộc về cơ quan hành chính quản lý về đất đai (Ủy ban nhân dân các cấp) và cơ quan tư pháp (Tòa án nhân dân các cấp). Việc quy định phân cấp, phân quyền về giải quyết tranh chấp đất đai cho hai cơ quan này không chỉ nhằm đảm bảo sự phù hợp với tình hình thực tế phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp đất đai như hiện nay, đồng thời giảm thiểu áp lực cho cơ quan hành chính trong việc tiếp nhận và giải quyết vụ việc tranh chấp đất đai, và tạo điều kiện cho người dân có nhiều lựa chọn hơn khi yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!