Xảy ra tranh chấp có được khởi kiện luôn tại tòa án

Thường khi xảy ra tranh chấp đất đai, hầu hết mọi người đều lúng túng tìm cách xử lý. Có người lựa chọn cách giải quyết bằng đe dọa, vũ lực gây ra những trường hợp phức tạp, dẫn tới nhiều vụ án tương tâm. Có người bình tĩnh hơn thì lựa chọn gọi cho trưởng xóm, trưởng thôn,… hay địa chính xã. Bên cạnh đó cũng có nhiều người muốn lựa chọn giải quyết bằng tòa án, nhưng họ thắc mắc liệu xảy ra tranh chấp có được khởi kiện luôn tại tòa án không?

1. Tranh chấp đất đai là gì?


Tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa hai hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai (Theo khoản 24 Điều 3 Luật Đất đai 2013).

Theo đó, tranh chấp đất đai gồm 02 loại chủ yếu sau:

– Tranh chấp ranh giới giữa các thửa đất liền kề.

– Tranh chấp xác định ai là người có quyền sử dụng đất (ai là chủ đất).

Lưu ý: Tranh chấp liên quan đến đất đai thì không phải là tranh chấp đất đai (thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết là khác nhau) như:

–  Tranh chấp về giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho…).

– Tranh chấp về di sản thừa kế là quyền sử dụng đất.

– Tranh chấp tài sản chung là quyền sử dụng đất giữa vợ và chồng khi ly hôn.

xảy ra tranh chấp có được khởi kiện luôn tại tòa án

2. Phải hòa giải trước khi khởi kiện tại Tòa án


– Nhà nước khuyến khích các bên tranh chấp đất đai tự hòa giải hoặc giải quyết tranh chấp đất đai thông qua hòa giải ở cơ sở (thông qua hòa giải viên cơ sở).

– Khoản 2 Điều 202 Luật Đất đai 2013 quy định: Tranh chấp đất đai mà các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tranh chấp để hòa giải.

Theo đó, UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) không tự hòa giải mà một trong các bên tranh chấp phải có đơn yêu cầu.

Như vậy, các bên tranh chấp không hòa giải được thì gửi đơn đến UBND cấp xã để hòa giải trước khi khởi kiện tại Tòa án hoặc yêu cầu UBND cấp huyện, tỉnh giải quyết (nếu hòa giải không thành).

Theo Điều 203 Luật Đất đai 2013, tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã mà không thành thì được giải quyết như sau:

Trường hợp 1: Đương sự có Giấy chứng nhận (sổ đỏ, sổ hồng) hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và tranh chấp về tài sản gắn liền với đất.

+ Cách thức giải quyết: Khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự quy định tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.

+ Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp.

Trường hợp 2:  Tranh chấp đất đai mà đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013.

Với trường hợp này đương sự có thể lựa chọn một trong hai hình thức sau:

+ Nộp đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp tại UBND.

  • Thẩm quyền giải quyết: UBND cấp Huyện/UBND cấp Tỉnh.

+ Khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự .

  • Thẩm quyền giải quyết: Tòa án nhân dân nơi có đất xảy ra tranh chấp.

Trả lại đơn khởi kiện hoặc từ chối đơn yêu cầu giải quyết nếu chưa hòa giải tại UBND cấp xã:

– Trả lại đơn khởi kiện:

Theo khoản 2 Điều 3 Nghị quyết 04/2017/NQ-HĐTP, đối với tranh chấp ai là người có quyền sử dụng đất mà chưa được hòa giải tại UBND cấp xã nơi có đất tranh chấp thì được xác định là chưa có đủ điều kiện khởi kiện (không thụ lý, trả lại đơn khởi kiện).

– Không tiếp nhận yêu cầu giải quyết tại UBND cấp huyện, tỉnh nếu không đủ hồ sơ:

Khi hòa giải tại UBND cấp xã không thành mà các bên có yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai thì nộp đơn tại UBND cấp huyện, cấp tỉnh (trong hồ sơ yêu cầu giải quyết phải có biên bản hòa giải tại UBND cấp xã).

Kết luận:

– Khi xảy ra tranh chấp đất đai không được khởi kiện luôn tại Tòa án mà phải trải qua giai đoạn hòa giải tại UBND cấp xã (đây là giai đoạn bắt buộc); nếu không hòa giải tại UBND cấp xã mà nộp đơn khởi kiện tại Tòa án sẽ bị trả lại đơn.

– Tranh chấp đất đai đã được hòa giải tại UBND cấp xã nhưng không thành (không hòa giải được) thì các bên tranh chấp có quyền khởi kiện tại Tòa án hoặc nộp đơn yêu cầu UBND cấp huyện, cấp tỉnh giải quyết tùy thuộc vào từng trường hợp như trên.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!