Sau khi ly hôn, nhiều khi việc thăm con cũng xảy ra tranh chấp, bị ngăn cản. Vậy có cách nào giải quyết tình trạng này không?
1. Không cho thăm con sau ly hôn – phạm luật?
Sau khi ly hôn, ngoài tài sản thì vấn đề nuôi và thăm con cũng trở thành cuộc chiến thật sự giữa hai vợ chồng. Việc để con cho ai nuôi, việc thăm nom con thế nào thật sự gây tranh cãi rất lớn.
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái sau ly hôn do hai bên vợ chồng tự mình thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được sẽ do Tòa án chỉ định.
Khi đó, người không trực tiếp nuôi con phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Đồng thời, người này cũng có quyền được thăm con mà không ai cản trở.
Ngoài ra, Điều 83 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng nói rõ, người được trực tiếp nuôi con không được phép cản trở, ngăn cấm việc thăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con của người còn lại.
Lưu ý : Dù được phép và không bị ngăn cấm nhưng người không trực tiếp nuôi con vẫn có thể bị hạn chế quyền thăm con nếu việc đó gây ảnh hưởng xấu đến con như:
– Phá tan tài sản của con.
– Có lối sống đồi trụy, ảnh hưởng đến việc chăm sóc, giáo dục con.
– Xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, có thể khẳng định, việc không cho thăm con sau ly hôn là vi phạm pháp luật. Chỉ khi có quyết định hạn chế quyền thăm nom con thì người trực tiếp nuôi con mới được ngăn cản việc thăm con này.
2. 2 cách giành quyền thăm con khi bị cản trở
Việc ngăn cản không cho cha/mẹ gặp con là một trong những hành vi bạo lực gia đình được nêu tại Điều 2 Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007.
Theo đó, hành vi ngăn cản quyền thăm nom giữa cha mẹ và con bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng theo Điều 53 Nghị định 167/2013/NĐ-CP.
Bởi vậy, để được thăm con khi bị cản trở thì người bị ngăn cản có thể thực hiện các cách sau đây:
– Thỏa thuận. Đối với yêu cầu ly hôn của vợ chồng, trước hết Tòa án sẽ dựa vào sự thỏa thuận của hai người để giải quyết. Do đó, việc đầu tiên khi muốn giải quyết vấn đề này là đạt được sự thỏa thuận của hai bên.
– Nếu không thể thỏa thuận được thì có thể khởi kiện để yêu cầu người đang trực tiếp nuôi con phải thực hiện nghĩa vụ của mình là không được ngăn cản, cấm đoán người không trực tiếp nuôi con.
Ngoài ra, nếu có căn cứ chứng minh người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người bị ngăn cản có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trên đây là 2 cách giành quyền thăm con sau ly hôn khi bị ngăn cản. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ Kiến thức luật để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!