Câu hỏi: Em đang cần tư vấn về dịch vụ đăng kí kết hôn với người người nước ngoài ở Việt Nam. Hiện tại em là người Việt đang ở Việt Nam, người kia là người Hàn đang ở Hàn. Em muốn đăng kí kết hôn ở Việt Nam thì 2 bên cần phải chuẩn bị những giấy tờ cần thiết nào ạ. Địa điểm đăng ký kết hôn là sở tư pháp cấp nào ạ?Mong sớm nhận được sự tư vấn của các Chuyên viên tư vấn của Kiến thức luật.
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn đến Bộ phận chuyên viên tư vấn của Kiến thức luật. Đội ngũ chuyên viên tư vấn đã nghiên cứu và đưa ra câu trả lời cho bạn, cụ thể:
1. Căn cứ pháp lý
- Nghị định 126/2014/NĐ-CP về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài
2. Giải đáp
Như bạn đã nêu trên, bạn là người Việt Nam và muốn tổ chức hôn lễ kết hôn với người Hàn tại Việt Nam, chúng tôi xin giải đáp như sau:
– Căn cứ khoản 3 Điều 23 Nghị định 126/2014/NĐ-CP về trình tự giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam đối với quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài:
+ Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.
+ Trong 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 26 của Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
– Việc tổ chức hôn lễ sẽ được thực hiện theo Điều 24 Nghị định 126/2014/NĐ-CP cụ thể:
+ Trong 5 ngày làm việc kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
+ Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp.
Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên khẳng định sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn và trao cho mỗi bên vợ, chồng 1 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn”.
– Trường hợp của bạn có nói là người kết hôn cùng bạn là người Hàn đang ở Hàn, nếu anh ấy đồng ý về Việt Nam để kết hôn thì thủ tục sẽ thực hiện đúng như trên đã nêu. Nếu anh ấy vắng mặt thì căn cứ Điều 8 Thông tư 02/2015/TT-BTP hướng dẫn thi hành một số Điều của Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, cụ thể:
+ Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, cả hai bên nam, nữ phải có mặt và xuất trình giấy tờ chứng minh về nhân thân.
+ Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ không thể có mặt để tổ chức lễ đăng ký kết hôn vào ngày Sở Tư pháp ấn định thì phải có văn bản đề nghị Sở Tư pháp gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn và nêu rõ lý do không thể có mặt. Sở Tư pháp có trách nhiệm thông báo cho người đề nghị gia hạn biết thời hạn gia hạn không được quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn.
Như vậy, việc kết hôn với người Hàn của bạn nhất thiết phải có mặt của anh chồng người Hàn đó.
Trên đây là tư vấn của Chuyên viên tư vấn Kiến thức luật về “kết hôn với người nước ngoài ở Việt Nam”, nếu còn thắc mắc về các vấn đề liên quan hãy liên hệ ngay với Kiến thức luật để được tư vấn, giải đáp thắc mắc kịp thời.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!