“Bắt vợ” là một phong tục lâu đời của đồng bào Dân tộc H’mông. Khi người con trai quen biết và đem lòng yêu một cô gái, anh ta sẽ tổ chức làm cỗ mời bạn bè và nhờ các bạn lập kế hoạch “cướp” cô gái về nhà một cách bất ngờ, giữ cô trong ba ngày. Sau đó sẽ sang nhà gái thông báo bàn việc cưới. Thường thì, hai người đã “tình trong như đã mặt ngoài còn e” nên việc “bắt vợ” sẽ không có gì khó khăn.
Nhưng từ lâu phong tục này đã bị biến dạng. Hủ tục “bắt vợ” bắt nguồn từ tập tục làm nương, người phụ nữ khi về thường trở thành lao động chính. Chỉ vì muốn có thêm người làm, bất chấp con mình còn ít tuổi, nhiều gia đình người Mông đã tổ chức cướp con gái nhà người khác làm vợ cho con mình một cách đầy vũ lực chứ không còn mang tính chất thủ tục. Một khi cô gái đã bị bắt đi, khó lòng quay lại được nữa vì theo tục lệ của người Mông, đã ở nhà trai một đêm thì không được phép trở về nhà cha mẹ đẻ nữa. Sau 3 ngày, nhà trai mới cử người sang nhà gái báo chính thức về chuyện “bắt vợ”.
Những tinh hoa tốt đẹp đã duy trì từ bao đời nay đang ngày càng bị biến dạng, là những tệ nạn ảnh hưởng tới quyền của phụ nữ, đi trái với việc mà chúng ta đang cố gắng thực hiện là một nền văn minh bình đẳng giới. Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu hành vi bắt vợ có được xem là vi phạm pháp luật không?
Hành vi lợi dụng phong tục “bắt vợ” để cưỡng ép kết hôn, bắt giữ người trái pháp luật là những hành vi biến tướng của phong tục này cần phải bị lên án và bị xử lý theo pháp luật.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, phong tục, tập quán không chỉ là nét văn hóa mà còn là quy tắc sinh hoạt động đồng. Phong tục cũng là những quy phạm có thể nâng lên thành luật, là nguồn của pháp luật. Khi không có luật điều chỉnh về một mối quan hệ, một vấn đề trong xã hội thì ưu tiên áp dụng phong tục, tập quán để giải quyết các mâu thuẫn trong xã hội. Tuy nhiên, khi đã có quy định pháp luật do Nhà nước ban hành, thừa nhận thì mọi công dân phải tuân thủ quy định pháp luật đó. Mọi hành vi vi phạm pháp luật đều cần bị phát hiện và xử lý nghiêm minh. Hiến pháp và pháp luật hiện hành bảo đảm và bảo vệ quyền bất khả xâm phạm về thân thể của công dân (Đ20. Hiến pháp 2013) (Theo info.net)
Theo luật pháp nước ta, ”bắt vợ” là hành vi cưỡng ép kết hôn thuộc các hành vi cấm kết hôn được quy định tại Khoản 2, Điều 5, Luật hôn nhân và gia đình 2014:
2. Cấm các hành vi sau đây:
a) Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
b) Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
c) Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
d) Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
đ) Yêu sách của cải trong kết hôn.
e) Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.
g) Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.
h) Bạo lực gia đình.
i) Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Người có hành vi cưỡng ép kết hôn sẽ bị xử lí theo Điều 55, Nghị định 157/2013/NĐ-CP:
Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
1. Cưỡng ép người khác kết hôn, ly hôn, tảo hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần hoặc bằng thủ đoạn khác.
2. Cản trở người khác kết hôn, ly hôn, cản trở hôn nhân tự nguyện, tiến bộ bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác.
Việc cưỡng ép kết hôn có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 181, Bộ Luật Hình sự 2015:
Người nào cưỡng ép người khác kết hôn trái với sự tự nguyện của họ, cản trở người khác kết hôn hoặc duy trì quan hệ hôn nhân tự nguyện, tiến bộ hoặc cưỡng ép hoặc cản trở người khác ly hôn bằng cách hành hạ, ngược đãi, uy hiếp tinh thần, yêu sách của cải hoặc bằng thủ đoạn khác, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 03 năm.
“Bắt vợ” vốn là một nét đẹp văn hóa nhưng lại bị biến tướng nhằm phục vụ mục đích không tốt đẹp. Mong rằng những hiện tượng như vậy sẽ được xóa bỏ để phong tục giữ nguyên được nét đẹp vốn có của nó.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!