Sau khi kết hôn và có cho mình tổ ấm riêng, không ít chị em phụ nữ vì muốn chăm lo cho gia đình, chồng con nên đã tạm ngưng công việc, từ bỏ sự nghiệp riêng của mình. Nhưng đổi lại đôi khi trong cuộc sống hôn nhân sự hy sinh đó của họ lại nhận được những lời lẽ không mấy hay ho từ đối phương của mình rằng ” ăn bám”, “suốt ngày chỉ biết quẩn quanh trong nhà, góc bếp không làm nên trò trống gì”. Và không ít những trường hợp người phụ nữ muốn giải thoát cho mình khỏi cuộc hôn nhân đó nhưng lo ngại mình chỉ ở nhà nội trợ, không có việc làm nếu ly hôn họ sẽ không được chia tài sản, không giành được quyền nuôi con. Vì vậy Kiến thức luật muốn giúp bạn đọc, nhất là các chị em phụ nữ hiểu rõ quy định của pháp luật trong trường hợp “vợ chỉ ở nhà nội trợ, khi ly hôn có được chia tài sản hay không?”.
Chỉ ở nhà nội trợ, khi ly hôn có được chia tài sản hay không?
Căn cứ theo Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn như sau: Tài sản chung của vợ chồng được chia đôi nhưng tính đến các yếu tố như:
– Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng.
– Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
– Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập.
– Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Đặc biệt, Điều luật này cũng chỉ rõ: Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.
Đồng thời, căn cứ theo Điều 7 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP hướng dẫn cụ thể như sau:
“Người vợ hoặc chồng ở nhà chăm sóc con, gia đình mà không đi làm được tính là lao động có thu nhập tương đương với thu nhập của chồng hoặc vợ đi làm. Bên có công sức đóng góp nhiều hơn sẽ được chia nhiều hơn”.
Như vậy, trường hợp chồng đi làm, vợ ở nhà nội trợ, chăm sóc con cái thì vẫn được tính là có thu nhập tương đương với thu nhập của người đi làm. Do đó, vợ và chồng vẫn bình đẳng với nhau khi chia tài sản khi ly hôn.
Tuy nhiên, thực tế, việc chứng minh công sức đóng góp của bên nào nhiều hơn vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung trong trường hợp này là tương đối khó, cần phải xem xét thật toàn diện, khách quan.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!