Câu hỏi: Tôi ly hôn chồng năm 2018 và để chồng nuôi con vì chồng tôi làm bác sĩ, có điều kiện hơn tôi. Nhưng cuối năm ngoái, anh ấy đã cưới vợ mới. Trong một lần đến thăm con, tôi thấy con nói con bị dì ghẻ đánh nhiều lắm, bố biết mà không nói gì. Vậy giờ tôi phải làm gì để giành quyền nuôi con ạ?
Trả lời:
Theo quy định tại Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái. Trong trường hợp của bạn, ban đầu hai vợ chồng đã thỏa thuận được con sẽ do chồng của bạn nuôi.
Giờ bạn muốn đổi người trực tiếp nuôi con thì căn cứ vào Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, bạn phải gửi yêu cầu đến Tòa án nhân dân để làm thủ tục thay đổi người trực tiếp nuôi con.
Theo đó, dựa theo các căn cứ sau đây:
– Do cha mẹ thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con.
– Người hiện tại đang nuôi còn không còn đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con
– Nếu con bạn từ đủ 7 tuổi thì có thể xem xét nguyện vọng của con.
Do vậy, trong trường hợp này, trước hết bạn cứ thỏa thuận với chồng cũ xem có đồng ý để đổi người trực tiếp nuôi con được không?
Trường hợp xấu mà chồng cũ của bạn không đồng ý thì bạn phải chứng minh được chồng cũ của mình hiện tại không còn đủ điều kiện để trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con:
– Hiện tại chồng cũ đã cưới người khác đồng nghĩa với việc sẽ có con của mình với người phụ nữ đó, sẽ không còn nhiều thời gian dành cho con của bạn nữa.
– Theo như bạn cung cấp, người vợ hai của chồng cũ có hành vi đánh đập con bạn, như vậy việc con bạn sống với bố sẽ không được chăm sóc cẩn thận, nuôi dưỡng và giáo dục trong môi trường tốt nhất.
Khi đó, bạn phải tìm và lưu lại các chứng cứ để chứng minh hành vi đánh con của người vợ kế này.
Không chỉ vậy, bạn có thể tố cáo người vợ hai của chồng cũ về hành vi hành hạ, đánh đập con bạn bởi hành vi đánh con cái là hành vi vi phạm pháp luật.
Theo đó, Điều 27 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu gây tổn hại về sức khỏe đối với trẻ em, gây tổn thương về mặt tinh thần, dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ em làm trẻ em tổn thương, đau đớn về thể xác và tinh thần.
Ngoài ra, Điều 49 Nghị định 167/2013/NĐ-CP cũng có quy định sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng đối với hành vi đánh đập gây thương tích cho thành viên gia đình.
Không chỉ như thế, nếu hành vi của người này đủ dấu hiệu để xử lý hình sự thì có thể bị xử lý theo:
– Tội hành hạ người khác (Điều 140 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam.
– Tội ngược đãi hoặc hành hạ ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con, cháu hoặc người có công nuôi dưỡng mình (Điều 185 Bộ luật Hình sự 2015) với khung hình phạt cao nhất là 05 năm tù giam.
Vì bạn cung cấp thông tin chưa thật sự đầy đủ, nên có thể tham khảo những biện pháp mà kiến thức luật tư vấn trên đây.
Ngoài ra, bạn có thể tìm đọc thêm các quy định về hôn nhân gia đình tại đây.
Chúc bạn sớm giành được quyền nuôi con. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ với chúng tôi để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!