Câu hỏi : Chào anh (chị), tôi có một câu hỏi muốn nhờ anh (chị) Chuyên viên tư vấn giải đáp giúp: Tôi và chồng hiện đang sống ly thân, nay tôi muốn làm đơn thuận tình ly hôn nhưng không muốn hòa giải để tiện cho công việc của cả hai bên thì có được không? Ngoài mức án phí ly hôn thì tôi còn phải đóng thêm khoản nào khác không?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến kiến thức luật. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
1. Cơ sở pháp lý
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014
- Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án.
2. Tư vấn
Thuận tình ly hôn có bắt buộc phải tiến hành hòa giải không?
Trong thủ tục ly hôn thuận tình có hai bước hòa giải đó là hòa giải tại cơ sở và hòa giải tại Tòa án. Do bạn không nói rõ trong câu hỏi của mình nên chúng tôi sẽ đề cập đến cả hai thủ tục hòa giải.
Đối với hòa giải tại cơ sở
Theo Điều 52 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về việc khuyến khích hòa giải tại cơ sở: “Nhà nước và xã hội khuyến khích việc hòa giải ở cơ sở khi vợ, chồng có yêu cầy ly hôn. Việc hòa giải được thực hiện theo quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở”.
Như vậy, với quy định trên, việc tiến hành hòa giải tại cơ sở là thủ tục không bắt buộc nhưng được nhà nước khuyến khích bạn có thể áp dụng hoặc không áp dụng tùy thuộc vào sự thỏa thuận của hai bên vợ chồng.
Đối với hòa giải tại Tòa án
Theo quy định tại Điều 54 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014: “Sau khi đã thụ lý đơn yêu cầu ly hôn, Tòa án tiến hành hòa giải theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự”.
Như vậy, thủ tục hòa giải tại Tòa án là thủ tục bắt buộc không phân biệt là ly hôn thuận tình hay ly hôn đơn phương.
Trong trường hợp của bạn dù là ly hôn thuận tình nhưng bạn và chồng vẫn phải tiến hành thủ tục hòa giải tại Tòa án.
Các khoản phí ly hôn
Theo danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 mức án phí sơ thẩm được xác định như sau:
- Đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình không có giá ngạch: 300.000 đồng.
- Đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình có giá ngạch:
- Từ 6.000.000 đồng trở xuống: 300.000 đồng
- Từ trên 6.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng: 5% giá trị tài sản có tranh chấp.
- Từ 400.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng: 20.000.000 đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400.000.000 đồng.
- Từ trên 800.000.000 đến 2.000.000.000 đồng: 36.000.000 đồng +3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 800.000.000 đồng.
- Từ trên 2.000.000.000 đồng đến 4.000.000.000 đồng: 72.000.000 đồng+2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 2.000.000.000 đồng.
- Từ trên 4.000.000.000 đồng: 112.000.000 đồng + 0.1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4.000.000.000 đồng.
Mức án phí phúc thẩm đối với tranh chấp về hôn nhân và gia đình: 300.000 đồng.
Như vậy, bạn chỉ cần nộp đủ án phí với mức như trên và sẽ không phải nộp thêm một khoản phí nào nữa.
Trên đây là phần giải đáp của chúng tôi đối với câu hỏi của bạn.Nếu còn có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ Kiến thức luật để được hỗ trợ tư vấn kịp thời bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!