Câu hỏi: Chào kiến thức luật, tôi có vấn đề pháp lý cần được tư vấn từ các chuyên viên. Cụ thể tôi và vợ là bà Lan cưới năm 1985 nhưng không đi đăng ký kết hôn. Khi tổ chức lễ cưới, hai bên không vi phạm điều kiện kết hôn. Đến tháng 06/2018 tôi và vợ thường xuyên nảy sinh mâu thuẫn vì lý do vợ tôi không có khả năng sinh con. Tôi muốn nộp đơn yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật của vợ chồng tôi với lý do chúng tôi không đăng ký kết hôn. Vậy tòa án giải quyết trường hợp của tôi thế nào nào? Nếu vợ tôi yêu cầu chia khối tài sản chung là 2 tỷ đồng thì tòa giải quyết thế nào? Mong Kiến thức luật tư vấn cho tôi!
Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Kiến thức luật, câu hỏi của bạn đã được các chuyên viên nghiên cứu và trả lời như sau:
Thứ nhất, về vấn đề tòa án có thẩm quyền giải quyết trường hợp trên như thế nào?
– Căn cứ pháp lý: khoản 2, Điều 44, Nghị định số 123/2015/NĐ-CP và Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Do bạn và vợ sống chung như vợ chồng với nhau từ năm 1985 đây là trường hợp hôn nhân thực tế nên mặc dù đến nay bạn và vợ chưa đăng ký kết hôn. Trong trường hợp này, theo hướng dẫn tại Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hộ tịch 2014 và Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì : “Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng.”
Như vậy,quan hệ hôn nhân giữa bạn và vợ được công nhận kể từ ngày xác lập quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng. Nói cách khác, hai bạn là vợ chồng hợp pháp, quan hệ hôn nhân không trái quy định của pháp luật.
Do việc kết hôn của bạn và là đúng pháp luật nên Tòa án bác đơn yêu cầu của bạn về việc hủy việc kết hôn trái pháp luật quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Trong trường hợp trên, nếu bạn vẫn muốn chấm dứt quan hệ hôn nhân với vợ thì phải khởi kiện ra Tòa án với yêu cầu ly hôn.
Thứ hai, nếu vợ yêu cầu chia khối tài sản chung trị giá 02 tỷ đồng thì Tòa sẽ giải quyết như thế nào?
– Căn cứ pháp lý: Điều 38 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Nguyên tắc Tòa chỉ giải quyết trong phạm vi khởi kiện: Theo quy định tại khoản 1, Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 thì Tòa án chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu của đương sự. Do đó, nếu vợ bạn có yêu cầu chia khối tài sản chung nêu trên thì Tòa án sẽ thụ lý giải quyết và chỉ giải quyết trong phạm vi yêu cầu chia khối tài sản chung của vợ bạn.
Giải quyết việc chia khối tài sản chung trên:
Do bạn và vợ vẫn trong thời kỳ hôn nhân nên việc chia tài sản chung áp dụng các nguyên tắc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân quy định tại Điều 38 và Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Nếu bạn và vợ tự thỏa thuận được việc chia khối tài sản chung trị giá 02 tỷ thì tuân theo sự thỏa thuận của các bên.
Nếu không tự thỏa thuận được việc chia khối tài sản chung trên thì Tòa án sẽ giải quyết việc chia khối tài sản chung trên nhưng về nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chia đôi (mỗi người 01 tỉ) nhưng có tính đến công sức đóng góp của các bên vợ, chồng, lỗi của các bên, hoàn cảnh của các bên vợ chồng,… theo quy định tại khoản 2, Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!