1. Mã số doanh nghiệp và mã số thuế doanh nghiệp chính là một
Trước đây, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định mã số doanh nghiệp riêng và mã số thuế riêng, doanh nghiệp phải làm 1 bộ hồ sơ đăng ký kinh doanh để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đồng thời làm thêm 1 bộ hồ sơ đăng ký mã số thuế.
Theo khoản 1 Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2014, mã số doanh nghiệp là dãy số được tạo bởi Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, được cấp cho doanh nghiệp khi thành lập và được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp có một mã số duy nhất.
Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp.
Sự thay đổi này đã giúp tránh được hiện tượng doanh nghiệp nợ thuế nhưng vẫn có thể giải thể khi làm thủ tục tại cơ quan đăng ký kinh doanh. Do cơ quan đăng ký kinh doanh không thể trực tiếp kiểm tra việc đóng thuế của doanh nghiệp.
2. Mỗi doanh nghiệp chỉ có duy nhất một mã số thuế
Mỗi doanh nghiệp được cấp một mã số thuế duy nhất để sử dụng trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp từ khi đăng ký thuế cho đến khi chấm dứt hoạt động (điểm a khoản 1 Điều 5 Thông tư 95/2016/TT-BTC).
Như vậy, mã số thuế doanh nghiệp gắn liền với mỗi doanh nghiệp, chỉ khi doanh nghiệp chấm dứt hoạt động thì mã số này mới chấm dứt hiệu lực.
Một doanh nghiệp chấm dứt hoạt động khi bị giải thể, phá sản, doanh nghiệp bị chia trong trường hợp chia lại doanh nghiệp, doanh nghiệp bị sáp nhập trong trường hợp sáp nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp hợp nhất trong khi hợp nhất doanh nghiệp.
Do vậy, doanh nghiệp đổi tên hay chuyển đổi loại hình thì vẫn giữ nguyên mã số thuế được cấp ban đầu.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!