1. Hợp tác xã là gì?
Về khái niệm hợp tác xã, theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012, được hiểu là một tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp, đồng sở hữu,có tư cách pháp nhân, được thành lập dựa trên cơ sở nguyện vọng và nhu cầu chung của các thành viên và do ít nhất 07 thành viên tự nguyện thành lập, tương trợ lẫn nhau, tạo điều kiện về việc làm, và phối hợp trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Hợp tác xã được xác định là hình thức thể hiện của thành phần kinh tế tập thể, hoạt động trên cơ sở tự chủ, có tính chất tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ trong quản lý cơ cấu và hoạt động của hợp tác xã.
Trong đó, nhu cầu chung của các thành viên trong hợp tác xã, được hiểu là nhu cầu giống nhau của các thành viên trong việc sử dụng các sản phẩm, dịch vụ một cách thường xuyên, ổn định từ kết quả của hoạt động sản xuất sinh doanh chung của các thành viên, trong đó bao gồm cả nhu cầu về việc làm cho các thành viên trong hợp tác xã mà hợp tác xã tạo ra trong quá trình sản xuất, kinh doanh ấy (căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Luật hợp tác xã năm 2012).
Khi những hợp tác xã riêng lẻ, liên kết với nhau với ít nhất từ 04 hợp tác xã trở lên tự nguyện thành lập và tương trợ lẫn nhau trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhằm đáp ứng nhu cầu chung của tất cả các hợp tác xã thành viên thì liên hiệp hợp tác xã sẽ được thành lập. Cũng giống như hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã cũng được xác định là một tổ chức kinh tế được thành lập hợp pháp, có tính chất đồng sở hữu, có tư cách pháp nhân và được hoạt động trên cơ sở tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng, dân chủ trong quá trình quản lý hoạt động của liên hiệp hợp tác xã.
Trên cơ sở khái niệm hợp tác xã được xác định theo Luật hợp tác xã năm 2012 ở trên, có thể khái quát, “hợp tác xã” có các đặc điểm cơ bản sau:
Một là, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế, hoạt động sản xuất kinh doanh như một loại hình doanh nghiệp nhưng mang tính xã hội cao, và là hình thức thể hiện của thành phần kinh tế tập thể.
Hai là, hợp tác xã có số lượng thành viên tối thiểu là 7 thành viên. Thành viên tham gia hợp tác xã có thể là cá nhân, hộ gia đình nhưng cũng có thể là pháp nhân khi đáp ứng được các điều kiện được quy định trong Điều 13 Luật hợp tác xã năm 2012, và Điều 3, 4 Nghị định 193/2013/NĐ-CP.
Ba là, hợp tác xã có tư cách pháp nhân, hoạt động trên cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình trên nguyên tắc dân chủ và bình đẳng.
Bốn là, các thành viên của hợp tác xã tự nguyện tham gia và cùng nhau làm việc, hợp tác tương trợ trong hoạt động sản xuất kinh doanh và cùng sử dụng sản phẩm, dịch vụ của hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo hợp đồng dịch vụ, được hưởng lợi nhuận và phân phối thu nhập từ hoạt động kinh doanh của hợp tác xã theo nguyên tắc quy định trong điều lệ của hợp tác xã và Luật hợp tác xã.
2. Xác định về tư cách pháp nhân của hợp tác xã.
Căn cứ theo khái niệm “hợp tác xã” được quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012 được trích dẫn ở trên, có thể khẳng định, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế có tư cách pháp nhân.
Về tư cách pháp nhân, một tổ chức nói chung hoặc tổ chức kinh tế nói riêng sẽ được công nhận là pháp nhân nếu đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 74 Bộ luật dân sự năm 2015. Trên cơ sở những điều kiện này, xem xét tư cách pháp nhân của hợp tác xã có thể thấy:
Tư cách pháp nhân của hợp tác xã không chỉ được khẳng định trong khái niệm “hợp tác xã” mà còn được thể hiện ở các khía cạnh sau:
Một là, hợp tác xã là một tổ chức kinh tế được thành lập một cách hợp pháp theo quy định chung của Bộ luật Dân sự năm 2015, và quy định cụ thể trong Luật hợp tác xã năm 2012, Nghị định 193/2013/NĐ-CP.
Cụ thể: Để thành lập được một hợp tác xã thì căn cứ theo quy định từ Điều 19 đến Điều 28 Luật hợp tác xã năm 2012, trước hết phải có một người được xác định là sáng lập viên – người phát sinh ý tưởng thành lập hợp tác xã thực hiện việc cam kết sáng lập, tham gia thành lập hợp tác xã và đứng ra vận động, tuyên truyền để “chiêu mộ”, thu hút người khác tham gia vào tổ chức hợp tác xã, đồng thời tạo dựng phương án sản xuất kinh doanh của hợp tác xã, dự thảo điều lệ và những công việc cần thiết khác.
Sau đó, sáng lập viên sẽ thực hiện việc tổ chức hội nghị thành lập hợp tác xã với sự tham gia của các thành viên có nguyện vọng tham gia, gia nhập vào hợp tác xã. Hội nghị thành lập hợp tác xã sẽ thực hiện việc thông qua quyết định thành lập, các nội dung về cơ cấu, phương án hoạt động, điều lệ và các nội dung khác liên quan đến sự thành lập và phát triển của hợp tác xã.
Tiếp theo, trước khi chính thức đi vào hoạt động thì hợp tác xã phải thực hiện thủ tục đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nơi hợp tác xã dự định đặt trụ sở chính. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc đăng ký hợp tác xã được xác định là Liên hiệp hợp tác xã, quỹ tín dụng nhân dân đăng ký tại phòng đăng ký kinh doanh thuộc sở kế hoạch và đầu tư; hoặc Hợp tác xã đăng ký tại phòng tài chính – kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Sau khi hoàn tất thủ tục, hồ sơ đăng ký hợp tác xã theo đúng quy định của pháp luật và đáp ứng đủ các điều kiện để thành lập hợp tác xã thì hợp tác xã này sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đăng ký hợp tác xã.
Như vậy, hợp tác xã là một tổ chức được thành lập một cách chặt chẽ với trình tự, thủ tục đều phải chấp hành theo đúng quy định của pháp luật và được sự công nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hai là, Cũng giống như các tổ chức được công nhận là pháp nhân khác, hợp tác xã, trong cơ cấu tổ chức cũng có cơ quan điều hành với những chức năng, nhiệm vụ quyền hạn được quy định chung trong điều lệ và quyết định thành lập hợp tác xã. Cụ thể:
Hợp tác xã được tổ chức theo hướng gồm các cơ quan điều hành như đại hội thành viên, hội đồng quản trị, giám đốc (hoặc tổng giám đốc), ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên. Trong đó:
– Đại hội thành viên là cơ quan có quyền quyết định cao nhất của hợp tác xã, thường thực hiện thông qua các hình thức tổ chức đại hội thành viên thường niên và đại hội thành viên bất thường. Việc triệu tập, tổ chức đại hội thành viên cũng như các quyền hạn và nhiệm vụ của đại hội thành viên được thực hiện theo quy định tại Luật hợp tác xã năm 2012, và quy định chung trong Điều lệ hợp tác xã.
– Hội đồng quản trị hợp tác xã là cơ quan quản lý hợp tác xã, gồm chủ tịch và thành viên trong đó số lượng thành viên của hội đồng quản trị sẽ do điều lệ quy định cụ thể nhưng tối đa không quá 15 người và tối thiểu ít nhất là 03 người. Hội đồng quản trị do hội nghị thành lập hoặc do đại hội thành viên bầu, với nhiệm kỳ do Điều lệ Hợp tác xã quy định cụ thể, nhưng được giới hạn từ 3 – 5 năm. Hội đồng quản trị được sử dụng con dấu của hợp tác xã để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình.
– Giám đốc (hoặc Tổng giám đốc) là người trực tiếp điều hành, và quản lý các hoạt động của hợp tác xã.
– Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên là bộ phận hoạt động độc lập, do đại hội thành viên bầu trực tiếp trong số thành viên hợp tác xã theo hình thức bỏ phiếu và có nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hoạt động của hợp tác xã theo quy định của Điều lệ hợp tác xã và Luật. Ban kiểm soát có số lượng thành viên không quá 07 người.
Lưu ý: Đối với các hợp tác xã có từ 30 thành viên trở lên thì bắt buộc phải thành lập ban kiểm soát, còn trường hợp có dưới 30 thành viên trở xuống thì hợp tác xã có thể thành lập ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên theo nội dung của Điều lệ hợp tác xã đó.
Ba là, Quy định về tính độc lập, tự chủ, và tự chịu trách nhiệm của hợp tác xã không chỉ được khẳng định trong khái niệm “hợp tác xã” mà nó còn thể hiện trong quy định về cơ chế hoạt động, nguyên tắc hoạt động và đặc biệt là tài sản, tài chính của hợp tác xã. Cụ thể:
Căn cứ theo quy định của Luật hợp tác xã thì tài sản của hợp tác xã bao gồm vốn điều lệ, vốn hoạt động, và các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài và các nguồn thu hợp khác cũng như các tài sản khác, được xác định là những tài sản, độc lập, và có sự phân định rõ ràng với các tài sản khác của thành viên hợp tác xã, được hình thành theo các hình thức góp vốn và huy động vốn nhất định, cũng như có cách thức phân phối lợi nhuận riêng theo quy định của pháp luật và điều lệ của hợp tác xã.
Hợp tác xã thực hiện việc góp vốn và huy động vốn thông qua hoạt động góp vốn của các thành viên hợp tác xã khi tham gia hợp tác xã hoặc để nhằm mục đích mở rộng việc đầu tư, sản xuất kinh doanh trong hoạt động của hợp tác xã phù hợp với quy định của Luật hợp tác xã năm 2012 và quy định trong điều lệ của hợp tác xã. Đồng thời, tài sản của hợp tác xã cũng có được từ việc tiếp nhận các khoản trợ cấp, hỗ trợ của nhà nước, việc tặng cho, hỗ trợ từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước phù hợp với quy định của pháp luật.
Về vấn đề tài sản, hợp tác xã cũng có quy định riêng về việc xử lý các khoản lỗ, khoản nợ về tài chính cũng như trong việc phân phối lợi nhuận. Căn cứ theo nội dung Điều lệ của hợp tác xã và quy định của luật thì những tài sản của hợp tác xã sẽ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ cũng như nghĩa vụ tài chính khác của hợp tác xã khi giải thể, phá sản theo một thứ tự ưu tiên nhất định. Khi các giá trị tài sản còn lại khác của hợp tác xã không đủ để thanh toán các khoản nợ ưu tiên thì cũng thực hiện việc chi trả theo tỷ lệ tương ứng với các khoản nợ trong cùng một hàng ưu tiên.
Ngoài ra khi hợp tác xã đang còn hoạt động, hợp tác xã cũng có những quy chế riêng trong việc xử lý các khoản lỗ, khoản nợ của hợp tác xã khi kết thúc năm tài chính thông qua việc xử ký giảm lỗ, hay sử dụng quỹ dự phòng tài chính để bù đắp, hoặc chuyển lại sang năm sau. Đồng thời, trong quy định tại Điều 15 Luật hợp tác xã năm 2015 thì các thành viên của hợp tác xã cũng chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn về các khoản nợ hay nghĩa vụ tài chính khác của hợp tác xã trong phạm vi vốn góp vào hợp tác xã.
Từ những phân tích ở trên, có thể thấy, tài sản, nguồn tài chính của hợp tác xã đều được tạo lập và quản lý bằng những cơ chế chặt chẽ, có sự độc lập nhất định đối với tài sản của riêng các thành viên, đồng thời hợp tác xã thực hiện tự chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ, nghĩa vụ tài chính trong phạm vi tài sản của mình. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng là điều kiện để xác nhận một tổ chức có tư cách pháp nhân.
Bốn là, Hợp tác xã, trong quá trình thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn toàn có thể nhân danh mình để tự tham gia các quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Có thể thấy, với những khía cạnh được phân tích nêu trên, Hợp tác xã hoàn toàn đáp ứng điều kiện để được xác nhận là một pháp nhân theo quy định của pháp luật, cụ thể là Điều 74 Bộ luật Dân sự năm 2015, và tư cách pháp nhân của tổ chức này cũng đã được khẳng định rõ ràng trong khái niệm hợp tác xã theo khoản 1 Điều 3 Luật hợp tác xã năm 2012.
Như vậy, Hợp tác xã cùng với các hình thức tổ chức kinh tế khác, ngày càng thể hiện vai trò của mình trong việc thể hiện nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần của nước ta, đóng góp không nhỏ trong việc phát triển kinh tế – xã hội. Việc có tư cách pháp nhân đã giúp cho hợp tác xã có thể phát huy tính độc lập tự chủ của mình và tạo ra lợi thế trong việc tham gia các giao dịch cũng như các hoạt động kinh doanh thương mại.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!