Điều 311. Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
1. Người nào sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm:
a) Có tổ chức;
b) Vật phạm pháp có số lượng lớn;
c) Làm chết người;
d) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên;
đ) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%;
e) Gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
g) Vận chuyển, mua bán qua biên giới;
h) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Vật phạm pháp có số lượng rất lớn;
b) Làm chết 02 người;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 02 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%;
d) Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân:
a) Vật phạm pháp có số lượng đặc biệt lớn;
b) Làm chết 03 người trở lên;
c) Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 03 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này 201% trở lên;
d) Gây thiệt hại về tài sản 1.500.000.000 đồng trở lên.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Bình luận:
Điều luật quy định năm tội phạm gồm:
– Tội sản xuất trái phép chất cháy, chất độc.
– Tội tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc.
– Tội vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc.
– Tội sử dụng trái phép chất cháy, chất độc.
– Tội mua bán trái phép chất cháy, chất độc.
1. Khái niệm
a) Chất cháy là những chất có đặc tính tự bốc cháy không tiếp xúc với ôxy trong không khí, nước hoặc khi có tác động của các yếu tố khác và những chất dễ tự bốc cháy ở nhiệt độ không cao như diêm tiêu (ka-li-ni-nát) phốt pho, thuốc đạn.
b) Chất độc là những chất có độc tính rất cao và rất có hại đối với sức khỏe con người và động vật nếu bị nhiễm phải một liều lượng nhất định (có thể rất nhỏ) có thể gây chết người, gây nguy hại lớn đến sự sống của các sinh vật khác (động vật và thực vật) hoặc gây ô nhiễm môi trường.
c) Sản xuất trái phép chất cháy, chất độc (xem giải thích tương tự ở tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt chất phóng xạ).
d) Tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc (xem giải thích tương tự tội chế tạo, tàng trữ
, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
đ) Vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc (xem giải thích tương tự tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
e) Sử dụng trái phép chất cháy, chất độc (xem giải thích tương tự tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
g) Mua bán trái phép chất cháy, chất độc (xem giải thích tương tự tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vũ khí quân dụng, phương tiện kỹ thuật quân sự).
2. Các yếu tố cấu thành tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc mua bán trái phép chất cháy, chất độc
2.1. Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội phạm này có một trong các hành vi sau:
a) Có hành vi sản xuất trái phép chất cháy, chất độc.
b) Có hành vi tàng trữ trái phép chất cháy, chất độc.
c) Có hành vi vận chuyển trái phép chất cháy, chất độc.
d) Có hành vi sử dụng trái phép chất cháy, chất độc.
đ) Có hành vi mua bán trái phép chất cháy, chất độc.
Lưu ý: Các hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán các đối tượng nêu trên được coi là trái phép khi được thực hiện mà không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung giấy phép.
2.2. Khách thể
Hành vi nêu trên xâm phạm đến an toàn công cộng, chế độ quản lý chất cháy, chất độc, của Nhà nước. Ngoài ra còn có thể xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người nhà.
2.3. Mặt chủ quan
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
2.4. Chủ thể
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự.
3. Về hình phạt
Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 04 khung, cụ thể như sau:
a) Khung một ( khoản 1).
Có mức phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
b) Khung hai (khoản 2).
Có mức phạt tù từ 03 năm đến 10 năm.
c) Khung ba (khoản 3).
Có mức phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.
d) Khung bốn (khoản 4).
Có mức phạt tù từ 15 năm đến 03 năm hoặc tù chung thân.
4. Hình phạt bổ sung
Ngoài việc áp dụng một trong các hình phạt chính nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
(Nội dung được trích dẫn từ: Bình luận khoa học phần các tội phạm Bộ luật Hình sự năm 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017 – Luật Gia Nguyễn Ngọc Điệp – tr 442, 443, 444, 445).
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!