Tái phạm và tái phạm nguy hiểm là gì?

Tái phạm hoặc tái phạm nguy hiểm là một trong những tình tiết tăng nặng được quy định tại Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Thuật ngữ tái phạm và tái phạm nguy hiểm chúng ta thường gặp rất nhiều trong các vụ án hình sự. Tuy nhiên, hai thuật ngữ này có gì khác nhau và khác nhau như thế nào? Qua bài viết này, Kiến thức luật xin được phân tích rõ hơn giúp bạn đọc nắm rõ được bản chất của tình tiết này theo quy định của pháp luật.

Tái phạm và tái phạm nguy hiểm là gì?

1. Khái niệm tái phạm

Theo quy định tại khoản 1 Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tái phạm có thể được hiểu là một trong hai trường hợp như sau:

+ Trường hợp người này đã bị kết án, và chưa đủ điều kiện để được xóa án tích nhưng lại phạm tội mới và tội này được thực hiện do lỗi cố ý.

+ Hoặc người này phạm tội do vô ý chứ không phải cố ý nhưng lại là tội phạm rất nghiêm trọng, hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Từ định nghĩa nêu trên thì có thể thấy rằng để một người được coi là tái phạm nếu người đó có một trong những dấu hiệu sau:

+ Trước khi phạm tội mới đã bị kết án về một tội phạm khác trước đó nhưng chưa được xóa án tích.

+ Về yếu tố lỗi: Có thể là lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý.

+ Về mức độ nghiêm trọng của hành vi phạm tội: Lỗi cố ý thì không yêu cầu mức độ nghiêm trọng. Lỗi vô ý thì phải là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

– Thứ hai, về khái niệm tái phạm nguy hiểm

Căn cứ vào quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 tái phạm nguy hiểm được hiểu là:

+ Người phạm tội đã bị kết án về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý trước đó, đến khi phạm tội mới vẫn chưa được xóa án tích mà tội mới này cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do cố ý;

+ Phạm tội do lỗi cố ý không cần biết ở mức độ nào nhưng trước đó người này đã có hành vi tái phạm một lần, nhiều lần mà chưa được xóa án tích.

Từ định nghĩa nêu trên thì có thể thấy rằng để một người được coi là tái phạm nếu người đó có một trong những dấu hiệu sau:

+ Đã từng phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng trước đó, chưa được xóa án tích.

+ Đã từng có hành vi tái phạm trước đó, nhưng cũng chưa được xóa án tích.

+ Về yếu tố lỗi: Thực hiện dưới lỗi cố ý.

+ Về mức độ nghiêm trọng của tội mới phạm phải: Hành vi mới bị truy tố cũng là tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Nếu trước đó đã từng có hành vi tái phạm thì không yêu cầu mức độ nghiêm trọng của tội phạm.

2. Quy định của Bộ luật Hình sự về tái phạm và tái phạm nguy hiểm

+ Là một trong những tình tiết tăng nặng  được quy định tại điểm h Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017. Đối với một số tội quy định tái phạm có thể là tình tiết định khung của tội phạm, còn đối với những tội danh không quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung thì đây có thể được coi là tình tiết tăng nặng để xác định mức phạt cụ thể. Do tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội, quyết định cùng một hành vi mà người này nên sẽ có sự chênh lệch khác nhau về mức hình phạt khi Tòa án cân nhắc quyết định hình phạt.

+ Ở một số tội phạm, tái phạm, hoặc tái phạm nguy hiểm được coi là một tình tiết định khung, hay còn có thể hiểu như là tình tiết cấu thành tội phạm Bộ luật hình sự có quy định tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết định khung hình phạt. Khi tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã là dấu hiệu định tội hoặc định khung hình phạt thì không được coi là tình tiết tăng nặng khi quyết định hình phạt nữa.

Ví dụ:  Tội cướp tài sản (khoản 2 Điều 168), Tội trộm cắp tài sản (điểm g khoản 2 Điều 173), Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (điểm d khoản 2 Điều 174)…

+ Đối với việc áp dụng tình tiết tái phạm, tái phạm nguy hiểm là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì khi hành vi đã thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm thì dù có áp dụng bao nhiêu tình tiết tăng nặng cũng không làm người phạm tội phải chịu tội danh nặng hơn hay định khung hình phạt nặng hơn hành vi tội phạm mà người đó đã thực hiện, tức là Tòa án chỉ được phép tăng mức phạt trong cùng một khung hình phạt.

Trên đây là những phân tích quy định của pháp luật về tình tiết tái phạm và tái phạm nguy hiểm. 

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!