Khi thực hiện hành vi phạm tội, chủ thể thực hiện hành vi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng được quy định trong Bộ luật Hình sự. Ở giai đoạn xét xử – một giai đoạn mang tính chất quyết định số phận pháp lý cho bị can, bị cáo thì trước khi lượng hình Tòa án sẽ cân nhắc trên cơ sở căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 xem xét tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, nhân thân của người phạm tội, và các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người phạm tội. Qua bài viết này, Kiến thức luật xin được phân tích, bình luận về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự dưới góc nhìn của Bộ luật Hình sự.
1. Quy định chung về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
+ Tình tiết được hiểu là những sự việc nhỏ trong quá trình hay diễn biến của một sự vật, sự việc. Trên cơ sở khái niệm này thì có thể hiểu, “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” là những sự việc nhỏ, những chi tiết nhỏ, những tình tiết nhỏ mà sự hiện diện của nó có ý nghĩa trong việc làm giảm mức độ nguy hiểm của xã hội, thể hiện thái độ, khả năng cải tạo, sửa chữa lỗi lầm của người phạm tội, là cơ sở để giảm nhẹ hình phạt (trách nhiệm hình sự) của người phạm tội so với mức hình phạt mà họ phải chịu theo quy định của pháp luật nếu không có tình tiết đó. Nếu một tình tiết xuất hiện trong sự việc hình sự, nhưng tình tiết đó mang ý nghĩa định tội, định khung tội danh và không có giá trị trong việc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội thì không được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
+ Các tình tiết trách nhiệm hình sự được xác định là căn cứ để Tòa án giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho một người khi quyết định hình phạt phải là những tình tiết được quy định cụ thể tại Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung 2017
+ Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình phạt, dù thể hiện dưới hình thức nào, trong trường hợp nào đều mang tính chất giúp mô tả hành vi cũng như mặt tâm lý, trạng thái của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội, mức độ ảnh hưởng của hành vi phạm tội trong sự tương quan với thế giới khách quan, thể hiện mức độ nguy hiểm của tội phạm cũng giảm đi so với tình huống phạm tội thông thường.
+ Mỗi một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đều thể hiện ý nghĩa và mức độ ảnh hưởng đối với việc quyết định hình phạt đối với từng hành vi phạm tội là khác nhau. Mặc dù pháp luật không quy định với mỗi tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự sẽ được giảm bao nhiêu năm tù, hay có được hưởng phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hay không… Tuy nhiên, có thể thấy, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là một trong những căn cứ, cơ sở để dựa vào đó Tòa án quyết định hình phạt cụ thể cho từng tội phạm phù hợp với mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội, quy định về khung hình phạt của tội phạm, và nguyên tắc nhân đạo trong việc xác định hình phạt.
+ Nếu một người phạm tội có từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 51 Bộ luật hình sự 2015, được sửa đổi bởi điểm a, b Khoản 6 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự 2015 thì người phạm tội có thể được Tòa án quyết định áp dụng mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà họ phạm vào, tuy nhiên, mức hình phạt này phải nằm trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn.
+ Việc người phạm tội có ít nhất từ hai tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên thì đây cũng được xác định là một trong những điều kiện bắt buộc để người phạm tội bị kết án phạt tù được xem xét được hưởng án treo theo Điều 2 Nghị quyết 02/2018/NQ-HĐTP.
2. Các tình tiết được xác định là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật
Theo quy định của pháp luật không có quy định cụ thể về khái niệm “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” tuy nhiên tại Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có liệt kê cụ thể các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. Trong đó, trên cơ sở pháp hiện hành có thể phân các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự thành các nhóm như sau:
- Nhóm 1: Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến hành vi của người phạm tội.
+ Người phạm tội đã kịp thời ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm do mình gây ra. Tình tiết này được hiểu là hành vi của người phạm tội khi đang thực hiện hành vi phạm tội hoặc đã thực hiện hành vi phạm tội nhưng đã kịp thời nhận thức rõ và có những hành vi nhất định nhằm ngăn chặn, hay là giảm bớt hậu quả do hành vi phạm tội của mình gây ra. Tức là người phạm tội đã kịp thời hiểu và mong muốn giảm bớt, hạn chế hậu quả có thể xảy ra với người thiệt hại.
+ Người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục hậu quả của thiệt hại xảy ra và đã có hành vi bồi thường cho những thiệt hại đã gây ra cho người khác: Bị cáo đã tự nguyện, dùng tiền và tài sản của mình để sửa chữa, khắc phục thiệt hại, hay bồi thường cho bên bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội của mình gây ra. Nếu bị cáo là người chưa thành niên (dưới 18 tuổi) và mặc dù không tác động nhưng cha, mẹ hoặc thân nhân khác của người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục thiệt hại bằng việc sử dụng tài sản của họ hoặc tài sản riêng của bị cáo để thực hiện việc bồi thường thì trường hợp này cũng được xác định là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. rường hợp bị cáo hoặc gia đình, cha, mẹ của bị cáo (trong trường hợp bị cáo là người chưa thành niên) đã tự nguyện sửa chữa, khắc phục, bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra nhưng người bị thiệt hại, hoặc đại diện của người bị thiệt hại đã không đồng ý, không chịu nhận số tiền bồi thường này và số tiền này đã được chuyển cho cơ quan có thẩm quyền, cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan thi hành án để sẵn sàng bồi thường cho người bị thiệt hại sau này. Hoặc Bị cáo không có tài sản để bồi thường nhưng đã tích cực thuyết phục, tác động để cha, mẹ, anh, chị em của mình thực hiện việc bồi thường cho bên bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội của mình gây ra. Một trường hợp khác bị cáo không có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại mặc dù có hành vi phạm tội, nhưng vẫn tự nguyện thực hiện hoặc thuyết phục người thân của mình bồi thường, sửa chữa hậu quả phát sinh đối với bên bị thiệt hại bởi hành vi phạm tội của họ gây ra.
- Nhóm 2: Nhóm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến tính chất của hành vi phạm tội.
+ Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Phòng vệ chính đáng, theo quy định tại Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015, là trường hợp dùng để hành vi của người phạm tội khi chống trả một cách cần thiết người đang có hành vi xâm phạm đến quyền lợi chính đáng của mình, của người khác hoặc của Nhà nước để bảo vệ những quyền và lợi ích này, trong một tình thế bắt buộc không thể làm khác. Còn hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng là hành vi chống trả một cách không cần thiết, không phù hợp với tính chất phạm tội và mức độ nguy hiểm của hành vi đang xâm hại đến quyền và lợi ích người phạm tội, của tập thể hoặc của Nhà nước.
+ Người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết. Theo quy định tại Điều 23 Bộ luật hình sự năm 2015, tình thế cấp thiết được hiểu là tình huống buộc người phạm tội không thể nào làm khác được, không còn cách nào khác ngoài việc buộc phải gây ra thiệt hại nhỏ hơn thiệt hại cần ngăn ngừa nếu muốn giảm thiểu thiệt hại có thể xảy ra đối với quyền và lợi ích của mình, của tập thể hoặc của Nhà nước. Trên cơ sở này, thì việc “phạm tội vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết” được hiểu là hành vi gây thiệt hại, hoặc hành vi chống trả rõ ràng quá mức cần thiết, gây ra thiệt hại không phù hợp với thiệt hại cần ngăn ngừa.
+ Phạm tội trong trường hợp vượt quá mức cần thiết khi bắt giữ người phạm tội.
+ Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
- Nhóm 3: Nhóm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến hoàn cảnh phạm tội.
+ Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của nạn nhân gây ra;
+ Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
- Nhóm 4: Nhóm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự liên quan đến nhân thân của người phạm tội.
+ Người phạm tội lần đầu thực hiện hành vi phạm tội và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng. Tình tiết này thể hiện ở việc người phạm tội lần đầu thực hiện hành vi phạm tội mà tính chất mà tội phạm của họ phạm phải là tội ít nghiêm trọng, tức là tội có mức độ ảnh hưởng và thể hiện tính chất nguy hiểm cho xã hội không nghiêm trọng mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội này theo quy định của Bộ luật hình sự là phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù đến 03 năm.
+ Người phạm tội phạm tội do lạc hậu. Việc phạm tội do lạc hậu được coi là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là hoàn toàn hợp lý khi xem xét đến trình độ học vấn và mức độ nhận thức của người phạm tội khi bị ảnh hưởng bởi các tư tưởng lạc hậu, những lối sống phong tục lâu đời.
+ Người phạm tội là phụ nữ có thai. Đây là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tạo điều kiện giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho người phạm tội là người phụ nữ đang mang thai, thể hiện tính chất nhân đạo của pháp luật đối với “thai phụ”, đảm bảo cho họ sớm hoàn lương làm lại cuộc đời.
+ Người phạm tội là người đủ 70 tuổi trở lên;
+ Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng;
+ Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
+ Người phạm tội là người có công với cách mạng hoặc là cha, mẹ, vợ, chồng, con của liệt sĩ.
+ Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác;
- Nhóm 5: Nhóm các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
+ Người phạm tội trước khi bị cơ quan có thẩm quyền phát hiện đã tự mình tự thú về hành vi phạm tội của mình. Tình tiết này thường được áp dụng trong trường hợp người phạm tội sau khi thực hiện hành vi phạm tội, đã tự nhận thức được lỗi lầm của mình, ăn năn hối cải, tự nguyện liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để thú nhận về hành vi phạm tội của mình, dù chưa bị phát hiện về hành vi phạm tội.
+ Người phạm tội đã nhận ra được tội lỗi của mình, có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Khi người phạm tội ăn năn hối cải, nhận ra được lỗi lầm của mình thì họ hoàn toàn xứng đáng để được nhận sự khoan hồng từ pháp luật, nó khác với việc quay co chối tội, làm ảnh hưởng đến công tác điều tra, tiếp cận với sự thật của vụ án ở một số người phạm tội khác. Do vậy, xem xét việc ăn năn hối cải của người phạm tội như một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự là điều hoàn toàn phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật.
+ Người phạm tội tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện tội phạm hoặc trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Tình tiết này được áp dụng khi người phạm tội trong quá trình điều tra, truy tố đã kịp thời hợp tác, chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong việc điều tra tội phạm để giải quyết vụ việc hình sự một cách triệt để.
+ Người phạm tội đã lập công chuộc tội. Tình tiết này thường được hiểu là việc người phạm tội sau khi thực hiện tội phạm cho đến khi bị xét xử không những đã ăn năn hối cải, tích cực giúp đỡ cơ quan có thẩm quyền trong việc phát hiện ra tội phạm, bắt kẻ tội phạm hoặc có hành vi khác vì lợi ích của Nhà nước, tập thể, hoặc của người khác được cơ quan có thẩm quyền khen thưởng hoặc chứng nhận.
Trên đây là những phân tích quy định của pháp luật về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!