Công ty cổ phần hiện nay đang chiếm một số lượng lớn trong các doanh nghiệp ở Việt Nam, trên phương diện pháp luật công ty cổ phần là một dạng pháp nhân có trách nhiệm hữu hạn, được thành lập và tồn tại độc lập đối với những chủ thể sở hữu. Trong mô hình này, vốn góp của công ty cổ phần được chia thành từng phần bằng nhau và gọi chung là cổ phần. Có nhiều lí do dẫn đến việc các cổ đông muốn chuyển nhượng lại cổ phần của mình cho người khác, tuy nhiên việc chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập cần phải thực hiện theo một trình tự, thủ tục nhất định và đi kèm với điều kiện cụ thể. Để tìm hiểu rõ hơn về trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, Kiến thức luật xin đưa ra những thông tin cụ thể như sau:
1. Về khái niệm cổ đông sáng lập
Theo Luật doanh nghiệp năm 2014 quy định, cổ đông sáng lập là người đã tham gia góp vốn để phát sinh, hình thành cổ phần ngay từ khi công ty được thành lập, cổ đông sáng lập đóng vai trò tham gia xây dựng công ty, được thông qua và ký tên vào bản Điều lệ đầu tiên của công ty cổ phần.
Đối vớ những công ty cổ phần mới thành lập, một trong những điều kiện tiên quyết là phải đảm bảo điều kiện có ít nhất ba cổ đông sáng lập. Điều kiện này không áp đặt bắt buộc với những công ty trách nhiệm hữu hạn, những công ty cổ phần bản chất ban đầu là doanh nghiệp có 100% vốn là vốn Nhà nước hoặc những công ty nằm trong diện được hợp nhất, sáp nhập, chia tách từ các công ty cổ phần khác theo quy định của Luật doanh nghiệp.
2. chuyển nhượng cổ phần là một hình thức chỉ có ở công ty cổ phần và có ý nghĩa quan trọng về cả phương diện kinh tế và phương diện pháp lý.
Xét trên phương diện kinh tế, việc chuyển nhượng cổ phần tạo điều kiện cho việc luân chuyển phần vốn góp một môi trường linh động, cơ hội mở cho các cổ đông, cổ đông sáng lập mở rộng cổ phần, bên cạnh đó vẫn có những cơ chế nhất định để đảm bảo sự bình ổn trong hoạt động chuyển nhượng cho công ty cổ phần.
Về phương diện pháp lý, pháp luật đã quy định cụ thể, chặt chẽ về việc một cổ đông khi đã thực hiện việc góp vốn vào công ty thì không được phép rút vốn ra bất kể lí do gì trừ trường hợp công ty phải giải thể theo luật định hoặc được công ty mua lại cổ phần nhằm đảm bảo sự ổn định vốn, cổ phần trong công ty, thay vào đó cổ đông chỉ có thể thực hiện chuyển nhượng cổ phần của mình sang cho người khác. Việc chuyển nhượng cổ phẩn được đánh giá là một hình thức luân chuyển cổ phần có lợi cho công ty và cả các cổ đông, sự thay đổi giữa các cổ đông tạo điều kiện cho công ty cổ phần có cấu trúc vốn linh hoạt, tận dụng khả năng huy động các nguồn vốn và cơ cấu lại cấu trúc vốn. Đây là một trong những lí do khiến nhiều người chọn hình thức công ty cổ phần để hoạt động kinh doanh.
Tuy nhiên việc chuyển nhượng cổ phần cũng có thể tạo ra những khó khăn và chuyển biến nhất định trong công ty, do đó việc chuyển nhượng cổ phần cũng được quy định hạn chế trong các trường hợp sau: Hạn chế chuyển nhượng theo điều lệ của công ty, không được biểu quyết chuyển nhượng đối với cổ phần ưu đãi biểu quyết, cổ phần của cổ đông sáng lập sở hữu chỉ được chuyển nhượng cho cổ đông sáng lập khác trong vòng 03 năm kể từ khi đăng ký kinh doanh, trừ khi được sự đồng ý của Đại hội đồng cổ đông thì cổ đông có quyền chuyển nhượng cho người khác.
3. Điều điều kiện chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 119 Luật doanh nghiệp năm 2014.
Đối với phạm vi giữa các cổ đông sáng lập với nhau, pháp luật quy định họ có quyền tự do thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần của mình cho cổ đông sáng lập khác, nhưng phải đảm bảo điều kiện về thời gian kể từ khi công ty được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp hợp lệ theo quy định của pháp luật, cụ thể là trong thời hạn 03 năm. Tuy nhiên đối với người không phải là cổ đông sáng lập của công ty thì có quy định hạn chế hơn, cổ đông sáng lập chỉ được chuyển nhượng cổ phần phổ thông của mình sang cho người không phải là cổ đông sáng lập của công ty với điều kiện phải được sự chấp thuận của Đại hội đồng cổ đông. Các quy định pháp luật khắt khe và các hạn chế với cổ phần phổ thông của cổ đông sáng lập sẽ được giảm bớt, giảm thiểu hoặc xóa bỏ khi hết thời hạn 03 năm đã nêu trên. Ngoài ra, những quy định hạn chế đã nêu trên pháp luật không áp đặt đối với cổ phần của cổ đông sáng lập chuyển nhượng sang cho người khác khi người này không thuộc cổ đông sáng lập của công ty và trường hợp cổ đông sáng lập được hình thành sau khi đăng kí doanh nghiệp.
4. Về trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập (khi đủ đảm bảo điều kiện đã nêu trên):
– Các bên liên quan ký kết vào hợp đồng chuyển nhượng cổ phần (bên chuyển nhượng, bên nhận chuyển nhượng hay bên mua, bên bán); hai bên thỏa thuận đi đến nội dung hợp đồng chuyển nhượng cổ phần hợp pháp bao gồm: Quốc hiệu tiêu ngữ; tên hợp đồng; Bên Bán; Bên Mua; đối tượng mua bán của hợp đồng; giá chuyển nhượng cổ phần; quy định về phương thức và thời hạn thanh toán; cam kết của Bên Bán; cam kết của Bên Mua; thay đổi và bổ sung các điều khoản của hợp đồng; kế thừa; các sự cố vi phạm; thông báo; điều khoản cuối cùng; và chữ kí xác nhận của hai bên.
– Sau khi thỏa thuận, các bên đi đến lập biên bản xác nhận về việc hoàn thành thủ tục chuyển nhượng;
– Tổ chức mở cuộc họp Đại hội đồng cổ đông để thông qua việc chuyển nhượng cổ phần;
– Thực hiện thủ tục chỉnh sửa, bổ sung thông tin trong Sổ đăng ký cổ đông của công ty;
– Thực hiện thủ tục đăng kí cổ đông sáng lập theo quy định.
Trong đó, pháp luật có quy định cụ thể về trường hợp thay đổi thông tin cổ đông sáng lập do cổ đông sáng lập chuyển nhượng cổ phần, hồ sơ thông báo thay đổi thông tin cổ đông sáng lập phải bao gồm những giấy tờ sau:
– Thông tin của các cổ đông sáng lập sau khi đã có sự thay đổi, được lập thành danh sách cụ thể;
– Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần kí kết giữa các bên hoặc các giấy tờ, biên bản xác minh chứng minh hoàn tất việc chuyển nhượng;
– Có sự xác nhận, chấp thuận của Sở kế hoạch và đầu tư về việc mua cổ phần, phần vốn góp hoặc việc góp vốn của nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và phải được lập thành văn bản cụ thể.
Các giấy tờ cụ thể trong hồ sơ bao gồm:
– Tên, mã số thuế, mã doanh nghiệp, trừ trường hợp doanh nghiệp chưa có mã số doanh nghiệp, mã số thuế thì có thể thay bằng Giấy đăng ký kinh doanh.
– Tên và địa chỉ nơi trụ sở chính của công ty tọa lạc, mã số doanh nghiệp, trường hợp đối với cổ đông sáng lập là tổ chức là số quyết định thành lập, hoặc họ, tên, số Chứng minh nhân dân, hộ chiếu hoặc thẻ căn cước công dân nếu cổ đông sáng lập là cá nhân; phần vốn góp của người chuyển nhượng và người nhận chuyển nhượng;
– Họ tên, Chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác theo quy định của pháp luật cùng với chữ ký của người đại diện hợp pháp theo điều luật của công ty.
Thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập được thực hiện qua 02 bước:
– Khi đã chuẩn bị đầy đủ hồ sơ thông báo về việc thay đổi cổ đông sáng lập đã bao gồm những giấy tờ trên theo quy định, công ty tiến hành thực hiện việc gửi thông báo đến Phòng Đăng kí kinh doanh đúng với nơi công ty đã làm thủ tục đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập.
– Sau khi nhận được thông báo đầy đủ theo quy định của pháp luật, phòng đăng ký kinh doanh trao giấy tờ biên nhận và thực hiện đăng ký thay đổi cổ đông sáng lập cho công ty.
- Lưu ý khi trong quá trình thực hiện việc chuyển nhượng cổ phần, cổ đông sáng lập có nghĩa vụ phải nộp thuế thu nhập cá nhân.
Trên đây là những thông tin cần thiết về cổ đông sáng lập và trình tự, thủ tục chuyển nhượng cổ phần của cổ đông sáng lập, rất mong có thể mang lại cho bạn đọc những thông tin ý nghĩa, hữu ích.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!