Chủ tịch Hội đồng quản trị trong công ty cổ phần giữ vị trí là người quản lý, quản trị trong công ty. Để trở thành chủ tịch Hội đồng quản trị cần đáp ứng những điều kiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Chủ tịch Hội đồng quản trị là người quản lý trong doanh nghiệp quy định rõ tại Luật Doanh nghiệp năm 2014: “Người quản lý doanh nghiệp là người quản lý công ty và người quản lý doanh nghiệp tư nhân, bao gồm chủ doanh nghiệp tư nhân, thành viên hợp danh, Chủ tịch Hội đồng thành viên, thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Chủ tịch Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và cá nhân giữ chức danh quản lý khác có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết giao dịch của công ty theo quy định tại Điều lệ công ty” (khoản 8 Điều 4).
Về cơ bản, một cá nhân để được coi là người quản lý cần đáp ứng hai điều kiện cơ bản là (i) giữ chức danh quản lý trong công ty và (ii) có thẩm quyền nhân danh công ty ký kết hợp đồng hoặc giao dịch của công ty theo quy định tại điều lệ công ty.
1. Chủ tịch Hội đồng quản trị được Hội đồng quản trị bầu.
Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định về Chủ tịch Hội đồng quản trị như sau:“1- Hội đồng quản trị bầu một thành viên của Hội đồng quản trị làm Chủ tịch. Chủ tịch Hội đồng quản trị có thể kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này và Điều lệ công ty, pháp luật về chứng khoán không có quy định khác. 2- Công ty cổ phần do Nhà nước nắm giữ trên 50% tổng số phiếu biểu quyết thì Chủ tịch Hội đồng quản trị không được kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc”.
Do đó điều kiện đặt ra bắt buộc Chủ tịch Hội đồng quản trị phải là thành viên của Hội đồng quản trị, do các thành viên Hội đồng quản trị bầu. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật không quy định một cách rõ ràng chủ tịch Hội đồng quản trị được bầu như thế nào, theo phương thức nào. Điều đó dẫn đến một số lúng túng trong quá trình quản trị doanh nghiệp. Do đó, công ty cần có các quy chế nội bộ về việc tổ chức hoạt động của công ty.
2. Điều kiện và tiêu chuẩn chủ tịch Hội đồng quản trị
Chủ tịch Hội đồng quản trị là một thành viên của Hội đồng quản trị, do đó Chủ tịch Hội đồng quản trị cần đáp ứng những tiêu chuẩn của thành viên Hội đồng quản trị.
Khoản 1, khoản 2 Điều 151 Luật Doanh nghiệp năm 2014, thành viên Hội đồng quản trị phải có đầy đủ các tiêu chuẩn và điều kiện sau:
“1- Thành viên Hội đồng quản trị phải có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây: a- Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, không thuộc đối tượng không được quản lý doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 18 của Luật này; b- Có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định khác. c- Thành viên Hội đồng quản trị công ty có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác. d- Đối với công ty con mà Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ thì thành viên Hội đồng quản trị không được là vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột, anh rể, em rể, chị dâu, em dâu của Giám đốc, Tổng giám đốc và người quản lý khác của công ty; không được là người có liên quan của người quản lý, người có thẩm quyền bổ nhiệm người quản lý công ty mẹ.
2- Thành viên độc lập Hội đồng quản trị theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 134 của Luật này có các tiêu chuẩn và điều kiện sau đây, trừ trường hợp pháp luật về chứng khoán có quy định khác: a- Không phải là người đang làm việc cho công ty, công ty con của công ty; không phải là người đã từng làm việc cho công ty, công ty con của công ty ít nhất trong 03 năm liền trước đó. b- Không phải là người đang hưởng lương, thù lao từ công ty, trừ các khoản phụ cấp mà thành viên Hội đồng quản trị được hưởng theo quy định; c- Không phải là người có vợ hoặc chồng, cha đẻ, cha nuôi, mẹ đẻ, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi, anh ruột, chị ruột, em ruột là cổ đông lớn của công ty; là người quản lý của công ty hoặc công ty con của công ty; d- Không phải là người trực tiếp hoặc gián tiếp sở hữu ít nhất 1% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết của công ty; đ-Không phải là người đã từng làm thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát của công ty ít nhất trong 05 năm liền trước đó”.
Như vậy, Luật doanh nghiệp năm 2014 có quy định, một trong các tiêu chuẩn và điều kiện để trở thành thành viên Hội đồng quản trị phải là: “người có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty và không nhất thiết phải là cổ đông của công ty, trừ trong trường hợp mà trong điều lệ của công ty có quy định khác”. Điều này có nghĩa là, một người mà “không có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty” vẫn có thể trở thành thành viên Hội đồng quản trị nếu như Điều lệ của công ty đó cho phép, nhất là đối với những cổ đông lớn của công ty đó.
Tuy nhiên, nếu Điều lệ của công ty mà được chép nguyên văn như quy định này, mà không mở không bổ sung và mở rộng thêm điều kiện khác, cùng với việc loại trừ quy định yêu cầu người “có trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong quản lý kinh doanh của công ty”, thì kể cả người đó có là cổ đông sở hữu tới 99% cổ phần công ty cũng sẽ không đủ điều kiện để được bầu làm thành viên Hội đồng quản trị công ty.
Trong Luật Doanh nghiệp 2014 cũng quy định “thành viên Hội đồng quản trị có thể đồng thời là thành viên Hội đồng quản trị của công ty khác”. Như vậy, có thể hiểu một người có thể là thành viên hoặc chủ tịch Hội đồng quản trị của nhiều công ty khác nhau. Tuy nhiên, là trừ trường hợp bị hạn chế như trong quy định của Luật quản lý tín dụng năm 2010, thành việc của Hội đồng quản trị của tổ chức tín dụng không được phép làm quản lý của tổ chức tín dụng khác, trừ trường hợp hai công ty tín dụng đó có quan hệ là công ty mẹ và công ty con.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!