Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản. Thủ tục phá sản doanh nghiệp 2019 phải tuân thủ đúng theo trình tự pháp luật quy định tại Luật Phá sản 2014.
Điều kiện và trình tự mở thủ tục phá sản theo quy định mới nhất của pháp luật
Trong quá trình hoạt động kinh doanh, có không ít doanh nghiệp, hợp tác xã lâm vào tình trạng khủng hoảng tài chính. Có thể là do làm ăn thua lỗ hoặc bị ứ đọng vốn lưu thông dẫn đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn, nợ lương người lao động, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trì trệ, thậm chí ngừng hoạt động về mặt thực tế….
Theo quy định của Luật phá sản, khi lâm vào tình trạng này, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp phải tiến hành mở thủ tục phá sản. Mục đích là để bảo vệ và giải quyết quyền lợi cho các chủ thể bị ảnh hưởng.
So với thủ tục thành lập doanh nghiệp, thủ tục phá sản có nhiều yêu cầu phức tạp hơn. Trình tự như sau:
Bước 1. Người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Khi yêu cầu Tòa án nhân dân mở thủ tục phá sản, các chủ thể có quyền và nghĩa vụ theo Luật phá sản phải làm đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Căn cứ Điều 5 Luật phá sản 2014, các chủ thể có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bao gồm:
1. Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
2. Người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày phải thực hiện nghĩa vụ trả lương, các khoản nợ khác đến hạn đối với người lao động mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.
3. Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
4. Chủ doanh nghiệp tư nhân, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty, thành viên hợp danh khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.
5. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 20% số cổ phần phổ thông trở lên trong thời gian liên tục ít nhất 06 tháng khi công ty cổ phần mất khả năng thanh toán hoặc dưới 20% nhưng được quy định tại Điều lệ công ty.
6. Thành viên hợp tác xã hoặc người đại diện theo pháp luật của hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Phương thức nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Người có yêu cầu mở thủ tục phá sản phải nộp đơn và tài liệu, chứng cứ kèm theo đến Tòa án nhân dân có thẩm quyền bằng một trong các phương thức sau:
a) Nộp trực tiếp tại Tòa án nhân dân;
b) Gửi đến Tòa án nhân dân qua bưu điện
Ngày nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi.
Bước 2. Tòa án xem xét đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Phân công Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Chánh án Tòa án nhân dân phân công một Thẩm phán hoặc Tổ Thẩm phán gồm 03 Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn yêu cầu và xử lý như sau:
– Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Thẩm phán thông báo cho bạn về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản;
– Trường hợp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ các nội dung quy định thì Thẩm phán thông báo cho bạn sửa đổi, bổ sung đơn; Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền nếu thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân khác; Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi thuộc trường hợp trả lại đơn quy định trong Luật phá sản.
Chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho tòa án nhân dân có thẩm quyền:
Trong trường hợp Tòa án nhân dân xử lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nhưng không có thẩm quyền theo quy định của pháp luật, Tòa án nhân dân này có trách nhiệm chuyển đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản và tài liệu, chứng cứ kèm theo cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền và thông báo cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản biết.
Thông báo sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không đủ nội dung quy định thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn biết để sửa đổi, bổ sung. Thời hạn sửa đổi, bổ sung do Tòa án nhân dân ấn định, nhưng không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp đơn nhận được thông báo; trường hợp đặc biệt, Tòa án nhân dân có thể gia hạn nhưng không quá 15 ngày.
Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản:
Tòa án nhân dân quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản trong các trường hợp sau: Người nộp đơn không đúng theo quy định tại Điều 5 của Luật phá sản; Người nộp đơn không thực hiện việc sửa đổi, bổ sung đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định tại Điều 34 của Luật phá sản; Tòa án nhân dân khác đã mở thủ tục phá sản đối với doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản rút đơn yêu cầu theo quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật phá sản; Người nộp đơn không nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, trừ trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản.
Tòa án xem xét dựa kết quả thương lượng giữa chủ nợp nộp đơn và doanh nghiệp. hợp tác xã:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và chủ nợ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản có quyền đề nghị bằng văn bản gửi Tòa án nhân dân để các bên thương lượng việc rút đơn. Tòa án nhân dân ấn định thời gian thương lượng nhưng không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Trường hợp các bên thỏa thuận được với nhau về việc rút đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản thì Tòa án nhân dân trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trường hợp thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.
Bước 3. Nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản:
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ, Tòa án nhân dân dự tính số tiền tạm ứng chi phí phá sản và thông báo cho người yêu cầu mở thủ tục phá sản để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp có đề nghị thương lượng thì khi thương lượng không thành hoặc hết thời hạn thương lượng mà các bên không tiến hành thương lượng thì Tòa án nhân dân thông báo cho người nộp đơn nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản theo quy định của Luật phá sản.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo về việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản phải thực hiện việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản như sau:
a) Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;
b) Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.
Bước 4. Thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản. Trường hợp không phải nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản thì thời điểm thụ lý được tính từ ngày Tòa án nhân dân nhận đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hợp lệ.
Thông báo việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án nhân dân phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, các cơ quan, tổ chức đang giải quyết vụ việc liên quan đến doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán do các bên cung cấp và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.
Trường hợp người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì Tòa án nhân dân phải thông báo cho các chủ nợ do doanh nghiệp, hợp tác xã cung cấp.
Trường hợp người nộp đơn không phải là doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án nhân dân, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải xuất trình cho Tòa án nhân dân các giấy tờ, tài liệu theo quy định tại khoản 3 Điều 28 của Luật này
Bước 5. Tòa án Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, Thẩm phán phải ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản, trừ trường hợp quy định tại Điều 105 của Luật phá sản.
Thẩm phán ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.
Trường hợp cần thiết, trước khi ra quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán có thể triệu tập phiên họp với sự tham gia của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán
Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán.
Thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản
Quyết định mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, chủ nợ, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp, cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan thuế, cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp, hợp tác xã có trụ sở chính và đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của Tòa án nhân dân và 02 số báo địa phương liên tiếp nơi doanh nghiệp hợp tác xã mất khả năng thanh toán có trụ sở chính.
Quyết định không mở thủ tục phá sản của Tòa án nhân dân phải được gửi cho người nộp đơn, doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản và Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.
Thời hạn gửi và thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản là 03 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án nhân dân ra quyết định.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!