Trước sự phát triển của xã hội thì tệ nạn xã hội cũng ngày một gia tăng. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lý của công dân. Đứng trước muôn vàn nguy hiểm rình rập, nhiều cá nhân có xu hướng mang theo vũ khí nhằm mục đích tự vệ cho chính bản thân họ và những người xung quanh. Từ đó, đặt ra một câu hỏi rằng, mang theo loại vũ khí nào là hợp pháp. Qua bài viết này, Kiến thức luật sẽ phân tích bình luận các quy định của pháp luật để giúp bạn đọc trả lời câu hỏi mang loại vũ khí nào theo người để phòng thân là hợp pháp.
1. Vũ khí là gì?
Vũ khí được quy định ở Khoản 1 Điều 3 Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và dụng cụ hỗ trợ năm 2017 .
Vũ khí chính là phương tiện, trang thiết bị được chế tạo, sản xuất ra có khả năng mang lại nguy hiểm gây sát thương cho tính mạng, sức khỏe con người hay phá vỡ cơ sở vật chất hạ tầng nghiêm trọng.
Vũ khí được chia làm 5 loại :
+ Vũ khí quân dụng: được sản xuất trang bị cho lực lượng vũ trang nhân dân và các lực lượng khác theo quy định của Luật này để thi hành công vụ, bảo vệ đất nước gồm súng cầm tay (súng ngắn, súng trường, súng tiểu liên…), vũ khí hạng nặng (máy bay chiến đấu, xe tăng, tàu ngầm, tên lửa…), bom, mìn, lựu đạn, ngư lôi, đạn sử dụng cho các loại vũ khí khác.
+ Súng săn là súng dùng để săn bắn gồm súng kíp, súng hơi, đạn sử dụng cho nó.
+ Vũ khí thô sơ: đây là loại vũ khí có cấu tạo đơn giản, dễ sử dụng được sản xuất với khả năng sát thương so với vũ khí quân dụng là thấp hơn, sự ảnh hưởng nghiêm trọng đối với hạ tầng cơ sở hầu như không có mà chỉ ảnh hưởng tới tính mạng con người nếu sử dụng sai mục đích. Vũ khí thô sơ như dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu.
+ Vũ khí thể thao: đây là loại vũ khí dùng trong hoạt động thi đấu, luyện tập thể thao như súng trường hơi, súng thể thao, súng bắn đĩa bay, súng ngắn hơi….
+ Vũ khí có tính năng, tác dụng tương tự: loại vũ khí sản xuất không theo tiêu chuẩn kĩ thuật hợp pháp nào, nó có khả năng gây ảnh hưởng tới con người, cơ sở vật chất tương tự như các loại vũ khí khác.
2. Thế nào là phòng thân tự vệ hợp pháp?
Tệ nạn xã hội ngày càng nhiều làm con người rơi vào tâm lí lúc nào cũng phải bảo vệ mình, người thân xung quanh mình. Tuy nhiên việc hiểu tự vệ phòng thân mà được pháp luật quy định ở mức độ nào là không phạm tội thì theo Điều 22 Bộ luật hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 đã quy định về phòng vệ chính đáng.
Phòng vệ chính là có hành vi chống trả ở mức cần thiết đối với hành vi gây hại tới tính mạng, sức khỏe của mình và những người khác, quyền lợi ích hợp pháp của nhà nước tổ chức. Việc chống trả bảo vệ quyền lợi khi đang có hành vi xâm phạm mà mức độ không bị coi là tội phạm khi được xác định hành vi chống trả đó cần thiết cho dù thiệt hại gây ra nhiều khi lớn hơn thiệt hại mà người có hành vi xâm phạm gây ra. Mặt khác, nhiều người thường có hành vi phòng vệ tưởng tượng do nhầm lẫn trong nhận thức mức độ gây hại của hành vi đó sẽ gây hai tới mình hay người khác mà chống trả lại thậm chí hành vi đó có thể chưa xảy ra mà người phòng vệ tự suy diễn sai tính chất nguy hiểm mà hành động gây thiệt hại. Thậm chí nhiều người có động cơ cá nhân trả thù riêng đã lợi dụng việc phòng vệ mà chống trả quá mức cần thiết thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo luật định.
Ví dụ: anh B uống rượu say chửi bới có đấm anh A vài cái , anh A chống trả dùng dao đâm anh B ba cái vào bụng khiến cho anh B nhập viện ở tình trạng nguy hiểm. Đấy là hành vi vượt quá mức phòng vệ chính đáng sẽ bị xử lí trách nhiệm hình sự đối với hành vi tương ứng theo luật định.
3. Mang loại vũ khí theo người tự vệ phòng thân là hợp pháp
Điều 5 Luật quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 quy định về hành vi bị nghiêm cấm đó là cá nhân sở hữu vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, trừ vũ khí thô sơ là hiện vật để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định, nghiêm cấm cá nhân sở hữu vũ khí trừ vũ khí thô sơ bao gồm: dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu. Tuy nhiên không phải mọi trường hợp cá nhân đều có quyền sở hữu vũ khí thô sơ vì thế cần hiểu rõ luật để sử dụng. Khoản 1 Điều 5 Luật quản lý sử dụng vũ khí vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 chỉ cho phép cá nhân sử dụng vũ khí thô sơ với mục đích là trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo.
Như vậy, suy ra rằng cá nhân sẽ được phép sở hữu những vũ khí thuộc hạng mục vũ khí thô sơ nếu thuộc các trường hợp dùng để trưng bày, triển lãm, đồ gia bảo thì được phép dùng dao găm, kiếm, giáo, mác, thương, lưỡi lê, đao, mã tấu, côn, quả đấm, quả chùy, cung, nỏ, phi tiêu. Ngoài ra cá nhân không được sử dụng bất kì vũ khí nào với mục đích khác cho dù là mục đích tự vệ. Tuy biết tự vệ là tốt cho bản thân tuy nhiên nhiều người lợi dụng tự vệ để làm ảnh hưởng tới người khác nên tới bây giờ luật vẫn chưa hợp pháp hóa vấn đề sử dụng vũ khí để tự vệ. Bất kì ai sử dụng vũ khí nhằm tự về đều trái pháp luật.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!