Không chấp hành án được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền của cơ quan thi hành án đã không ký quyết định thi hành án hoặc không đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án một cách cố ý.
1.Thế nào là tội không chấp hành án?
Tội không chấp hành án được quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:
“1. Người nào có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
a) Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
b) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
c) Tẩu tán tài sản.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.”
Theo đó: không chấp hành án, được hiểu là hành vi của người có thẩm quyền của cơ quan thi hành án đã không ký quyết định thi hành án hoặc không đưa ra thi hành bản án, quyết định của Tòa án một cách cố ý.
2. Tư vấn và bình luận về tội không chấp hành án theo Bộ luật Hình sự 2015
a, Các yếu tố cấu thành tội không chấp hành án
– Mặt khách quan
Mặt khách quan của tội không chấp hành án thể hiện ở hành vi (không hành động) của người phải thi hành án đã không thực hiện các nghĩa vụ của mình được quy định trong bản án, quyết định định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật một cách cố ý mặc dù đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết.
Theo quy định của điều luật thì những bản án, quyết định của Tòa án phải là những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật. Điều này được hiểu là phần quyết định trong bản án, quyết định đã có hiệu lực thi hành như: bản án, quyết định phúc thẩm phần bản án quyết định sơ thẩm có kháng cáo, kháng nghị nhưng có hiệu lực thi hành ngay.
Lưu ý:
– Điều luật có quy định dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này là “đã bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế”, như vậy người có hành vi không chấp hành án nhưng chưa bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết như kê biên tài sản, bán đấu giá tài sản đã kê biên, trừ vào thu nhập của người phải thi hành án… thì không chịu trách nhiệm hình sự về tội này.
– Bản án, quyết định của Tòa án nêu trên là bản án, quyết định về dân sự (gồm cả phần dân sự trong hình sự), hành chính, lao động.
– Khách thể.
Hành vi phạm tội xâm phạm đến hoạt động bình thường của các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm thi hành án.
– Mặt chủ quan.
Người phạm tội thực hiện tội phạm này với lỗi cố ý.
– Chủ thể.
Chủ thể của tội phạm này là bất kỳ người nào có nghĩa vụ được quy định trong bản án hoặc quyết định có hiệu lực thi hành của Tòa án.
b, Về hình phạt
Mức hình phạt đối với tội này được chia thành hai khung, cụ thể như sau:
+ Khung một (khoản 1)
Phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với hành vi có đầy đủ các dấu hiệu của mặt khách quan.
+ Khung hai (khoản 2)
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm:
– Chống lại chấp hành viên hoặc người đang thi hành công vụ;
– Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
– Tẩu tán tài sản.
+Hình phạt bổ sung (khoản 3)
Ngoài việc phải chịu một trong các hình phạt chính nêu trên người phạm tội còncó thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn