Án treo là biện pháp “miễn chấp hình phạt tù có điều kiện”. Theo quy định của pháp luật điều kiện mà pháp luật quy định đó chính là “thời gian thử thách”. Khi mức hình phạt tù mà người phải chấp hành không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của luật Thi hành án hình sự. Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
Tại mục 6 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP Nghị quyết Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt để được hưởng án treo người phạm tội phải thỏa mãn các điều kiện như sau:
– Thứ nhất, người chấp hành án bị xử phạt tù không quá 03 năm: Không phân biệt về tội gì, trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 03 năm tù thì Tòa án cũng có thể cho hưởng án treo.
– Thứ hai, người chấp hành án có nhân thân tốt đồng thời họ phải được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân; thời gian từ khi thực hiện hành vi có lỗi trở về trước người chấp hành án chưa từng có tiền án, tiền sự; và có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể, rõ ràng.
– Thứ ba, bản thân người chấp hành án phải có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên và không có tình tiết tăng nặng, trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.
– Thứ tư, nếu không bắt họ đi chấp hành hình phạt tù thì không gây nguy hiểm cho xã hội hoặc không gây ảnh hưởng xấu trong cuộc đấu tranh phòng, chống tội phạm.
Mặt khác, khi cho người bị xử phạt tù hưởng án treo thì trong mọi trường hợp Tòa án phải ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm và phân biệt như sau:
+ Một là, trường hợp người bị xử phạt tù không bị tạm giam thì thời gian thử thách bằng hai lần mức hình phạt tù, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
+ Hai là, trường hợp người bị xử phạt tù đã bị tạm giam thì lấy mức hình phạt tù trừ đi thời gian đã bị tạm giam để xác định mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành. Thời gian thử thách trong trường hợp này bằng hai lần mức hình phạt tù còn lại phải chấp hành, nhưng không được dưới một năm và không được quá năm năm.
Ví dụ: Tòa án xử phạt A ba năm tù cho hưởng án treo. Do A đã bị tạm giam một năm, như vậy mức hình phạt tù còn lại A phải chấp hành là hai năm (3 năm – 1 năm = 2 năm). Tòa án sẽ ấn định thời gian thử thách đối với A là bốn năm (2 năm x 2 = 4 năm).
+ Ba là, trong trường hợp đặc biệt thì Tòa án có thể ấn định thời gian ngắn hơn mức theo quy định của pháp luật nhưng phải ghi rõ lý do trong bản án.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!