NGUYỄN THANH MẬN (Phó Giám đốc Học viện Tòa án) – Việc nghiên cứu thực tiễn xây dựng và áp dụng án lệ hình sự ở Việt Nam từ năm 2015 đến nay, không thể tách rời thực tiễn xây dựng và áp dụng án lệ nói chung. Qua nghiên cứu quá trình xây dựng và áp dụng án lệ ở Việt Nam hiện nay, có thể thấy được những thành tựu và hạn chế của hoạt động xây dựng và áp dụng án lệ nói chung, án lệ hình sự nói riêng.
Trong 3 năm (2015-2018), có 04 án lệ Hình sự được ban hành, việc phân tích những án án lệ Hình sự trên là rất cần thiết để có thể thấy rõ được những thành tựu và hạn chế trong việc xây dựng và áp dụng án lệ hình sự ở Việt Nam hiện nay. Từ đó, có những nhận định đúng đắn, khoa học, nhằm đề xuất những giải pháp hợp lý cho việc xây dựng và áp dụng án lệ trong thời gian tới.
Bài viết làm rõ sự cần thiết, nội dung, tình huống của 04 án lệ Hình sự đã được công bố. Việc bình luận, phân tích những tình tiết, sự kiện pháp lý của vụ án hình sự được đề cập trong 04 án lệ Hình sự sẽ làm cơ sở cho việc áp dụng các vụ án hình sự tương tự về sau nhằm bảo đảm hiệu quả áp dụng án lệ Hình sự trong thực tiễn xét xử.
1. Án lệ hình sự số 01
1.1. Quy định của pháp luật liên quan đến án lệ
BLHS 1999, Điều 93. Tội giết người
Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình: … m) Thuê giết người hoặc giết người thuê; n) Có tính chất côn đồ…”
“Điều 104. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
… Phạm tội gây thương tích, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc dẫn đến chết người hoặc từ 31% đến 60%, nhưng thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm từ điểm a đến điểm k khoản 1 Điều này, thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm”…
1.2. Sự cần thiết phải công bố án lệ
BLHS năm 1999 đã quy định về tội giết người (Điều 93) và tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” (khoản 3 Điều 104). Hai tội danh này có nhiều dấu hiệu cấu thành tội phạm cơ bản giống nhau như: Đều có hành vi khách quan là đánh, đâm, chém, bắn…; hậu quả là nạn nhân chết. Việc phân biệt hai tội danh này chủ yếu dựa vào ý thức chủ quan của người phạm tội. Thực tiễn xét xử cho thấy, trong nhiều trường hợp việc phân định hai tội danh nêu trên là rất khó khăn do các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng khó có thể xác định ý thức chủ quan của người phạm tội và thực tế thì cơ sở để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội chủ yếu dựa trên việc đánh giá những biểu hiện khách quan bên ngoài của hành vi phạm tội. Bên cạnh đó, việc xác định như thế nào là “gây thương tích dẫn đến chết người” cũng chưa được hướng dẫn cụ thể dẫn đến nhiều cách hiểu, đánh giá khác nhau về cùng một hành vi, từ đó dễ dẫn đến sai sót trong việc xác định tội danh của người phạm tội.
Việc Tòa án nhân dân tối cao lựa chọn, công bố Án lệ số 01/2016/AL nhằm làm rõ sự khác biệt giữa tội giết người và tội cố ý gây thương tích với tình tiết tăng nặng định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”. Theo đó, dấu hiệu pháp lý đặc trưng để phân biệt hai tội này là về ý thức chủ quan của bị cáo nhằm tước đoạt tính mạng của người khác hay chỉ có ý muốn gây thương tích cho người khác, họ có thấy hoặc buộc phải thấy trước hậu quả chết người xảy ra hay không?
1.3. Nội dung vụ án và tình huống của án lệ
Trong các vụ việc tạo lập Án lệ số 01/2016/AL, bị cáo Đồng Xuân Phương đã thuê Hoàng Ngọc Mạnh, Đoàn Đức Lân đánh anh Nguyễn Văn Soi để trả thù bằng cách dùng dao đâm vào chân, tay anh Soi để gây thương tích. Sau đó, Mạnh đã thực hiện hành vi đâm 02 nhát vào mặt sau đùi phải, làm anh Soi chết. Kết luận giám định cho thấy anh Soi bị 02 vết thương tại mặt sau đùi phải, vết phía trên xuyên vào cơ đùi 3cm, vết phía dưới cắt đứt động mạch, tĩnh mạch, đùi sau gây chảy mất nhiều máu. Nguyên nhân bị hại chết là do cú sốc mất mấy cấp không hồi phục do vết thương động mạch. Đoàn Đức Lân và Hoàng Ngọc Mạnh đã bỏ trốn, đang bị truy nã.
Án lệ này đang xem xét trách nhiệm hình sự của người chủ mưu trong một vụ án hình sự có đồng phạm tham gia. Trong án lệ này, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao đã căn cứ vào ý thức chủ quan của bị cáo là có mong muốn tước đoạt tính mạng của người bị hại không và hành vi khách quan thể hiện bên ngoài chứng minh cho ý thức chủ quan đó để xác định bị cáo phạm tội giết người hay cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”. Trường hợp này, người chủ mưu không có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại nên chỉ yêu cầu người thực hành gây thương tích vào chân, tay bị hại; không yêu cầu người tiến hành tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể là những vị trí nếu bị tấn công thì sẽ có nhiều khả năng xâm hại đến tính mạng nạn nhân. Người thực hành làm đúng yêu cầu của người chủ mưu, nhưng sau đó nạn nhân bị chết do sốc mất máu cấp ngoài ý muốn của người chủ mưu…Trong trường hợp này, người chủ mưu chỉ chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” mà không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người.
1.4. Hoàn cảnh tương tự được áp dụng án lệ
Án lệ số 01/2016/AL nhằm hướng dẫn các Tòa án trong việc xác định trách nhiệm hình sự của người chủ mưu phạm tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” trong vụ án có đồng phạm. Theo đó, trong vụ án có đồng phạm, nếu chứng minh được ý thức chủ quan của người chủ mưu là chỉ thuê người khác gây thương tích cho người bị hại mà không có ý định tước đoạt tính mạng của họ (người chủ mưu chỉ yêu cầu gây thương tích ở chân, tay của người bị hại mà không yêu cầu tấn công vào các phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người); việc nạn nhân bị chết nằm ngoài ý thức chủ quan của người chủ mưu thì người chủ mưu phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người”.
Án lệ số 01/2016/AL được hình thành trên cơ sở một vụ án có đồng phạm và người bị truy cứu trách nhiệm hình sự là người chủ mưu. Tuy nhiên, bản chất của việc xác định bị cáo phạm tội giết người hay tội cố ý gây thương tích với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” là ở chỗ xác định ý thức chủ quan của bị cáo có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại hay không và hành vi khách quan chứng minh được cho ý thức chủ quan của bị cáo mà không phụ thuộc vào việc bị cáo đó là người chủ mưu hay người thực hành. Vì vậy, tình huống án lệ này cũng nên được áp dụng đối với trường hợp vụ án không có đồng phạm. Nếu chứng minh được người thực hiện hành vi phạm tội không có ý định tước đoạt tính mạng của người bị hại, khi gây thương tích, bị cáo không tấn công vào những phần trọng yếu của cơ thể có khả năng dẫn đến chết người, việc nạn nhân chết là nằm ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo thì cũng cần áp dụng án lệ này để xử bị cáo về tội “cố ý gây thương tích” với tình tiết định khung là “gây thương tích dẫn đến chết người” mà không xử tội “giết người”.
Tuy nhiên, khi xem xét án lệ này cũng còn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau. Quan điểm cho rằng các bị cáo được thuê gây thương tích hiện đang bỏ trốn, chưa bắt được. Việc xác định tội danh đối với người thuê phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người chủ yếu dựa vào lời khai của bị cáo và sự phù hợp với vị trí gây thương tích. Chưa có căn cứ xác định ý thức chủ quan cũng như đầy đủ diễn biến hành vi khách quan của người được thuê khi thực hiện hành vi phạm tội. Do đó, án lệ này chưa phải là giải pháp pháp lí toàn diện, dễ bị thay đổi nếu bắt được các bị cáo bỏ trốn và xuất hiện những tình tiết khác với vụ án đã được xét xử. Đặc biệt, khó khăn trong việc hiểu như thế nào là “đảm bảo những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau” để áp dụng xét xử các vụ án hình sự tương tự theo quy định tại khoản 3, Điều 2, Nghị quyết số 03/2015/HĐTP. Học Luật
2. Án lệ hình sự số 17/2018
2.1. Quy định của pháp luật có liên quan
– Điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS 2015).
– Khoản 2 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng khoản 2 Điều 123 BLHS 2015).
– Điều 20 BLHS 1999 (tương ứng Điều 17 BLHS 2015).
2.2. Sự cần thiết phải công bố án lệ
Hiện nay, nhận thức về các quy định của Pháp luật có liên quan nêu trên còn khác nhau, dẫn đến việc áp dụng pháp luật trong điều tra, truy tố, xét xử thiếu thống nhất. Đặc biệt, nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong các vụ án có đồng phạm. Có quan điểm cho rằng, trong vụ án có đồng phạm thì người thực hành phạm tội gì, theo khung hình phạt nào thì các đồng phạm khác cũng phải bị truy tố, xét xử theo tội danh và khung hình phạt đó.
Quan điểm trên là không phù hợp với quy định của pháp luật về đồng phạm (đồng phạm giản đơn và đồng phạm có tổ chức). Bởi lẽ, mỗi người đồng phạm gắn với những tình tiết định khung riêng, nên không thể buộc đồng phạm khác phải chịu trách nhiệm hình sự theo tình tiết định khung hình phạt riêng cho người thực hiện tội phạm, trừ trường hợp những người đồng phạm có chung tình tiết định khung.
Án lệ Hình sự số 17 ra đời là sự giải thích thống nhất để áp dụng về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự trong vụ án có đồng phạm. Do vậy án lệ này ra đời là cần thiết.
2.3. Nội dung vụ án hình sự và tình huống án lệ
* Nội dung vụ án
Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì: Sau khi chứng kiến việc bố vợ là ông Dương Quang H bị các con của ông Dương Quang Q đánh, Nguyễn Văn H là người trực tiếp gọi điện báo cho Trần Quang V biết việc ông H bị đánh. Trong lúc ăn nhậu cùng V và Phạm Nhật T vào tối ngày 19-01-2015, biết V và T có ý định đi đánh ông Q để trả thù , H nói “Ba bị đánh thương lắm, chừ còn đau”, làm củng cố ý thức, quyết tâm của V trong việc đi đánh ông Q. H cũng là người chỉ nơi ở, đặc điểm nhận dạng của ông Q cho V và T biết để V và T có thể thực hiện hành vi đánh ông Q. Khi nghe V và T bàn bạc kế hoạch đi đánh ông Q, H không can ngăn mà còn nói “Nếu đánh thì đánh dằn mặt thôi”, thể hiện sự thống nhất ý chí về việc đánh ông Q. Sau đó, H bỏ về trước. Thực tế, Trần Quang V đã dùng mã tấu chém liên tiếp vào vùng đầu, mặt, chân, tay ông Q làm ông Q gục ngay tại chỗ. Do mọi người can ngăn và được đưa đi cấp cứu kịp thời nên ông Q không chết là ngoài ý muốn chủ quan của V. Sau khi chém ông Q, V đã gọi liên tiếp ba cuộc điện thoại cho H để hỏi về thương tích của ông Q. Mặc dù, H không biết trước việc V dùng mã tấu chém liên tiếp vào những vùng trọng yếu trên cơ thể ông Q, có thể tước đoạt tính mạng của ông Q nhưng H đã thống nhất ý chí với V và T trong việc đánh ông Q, chấp nhận hậu quả xảy ra. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H đồng phạm với Trần Quang V và Phạm Nhật T về tội “Giết người” là có căn cứ. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì: Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999.
* Tình huống án lệ
“…Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm kết án Nguyễn Văn H theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS năm 1999 với tình tiết định khung “Có tính chất côn đồ” là không đúng, bởi vì: Trong vụ án này Trần Quang V và Phạm Nhật T là người trực tiếp thực hiện hành vi đánh ông Q; chỉ vì mâu thuẫn nhỏ nhặt trong sinh hoạt với các con của ông Q mà V và T đã dùng mã tấu chém nhiều nhát vào những vùng trọng yếu trên cơ thể của ông Q nên chỉ hành vi phạm tội của V và T “Có tính chất côn đồ”, còn Nguyễn Văn H không trực tiếp tham gia đánh ông Q mà giúp sức cho V và T trong việc đánh ông Q nên hành vi phạm tội của H không “Có tính chất côn đồ” mà chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 93 BLHS năm 1999”.
2.4. Tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự áp dụng án lệ
Vụ án hình sự cụ thể được nêu trong án lệ số 17/2018, V và T là người thực hiện hành vi phạm tội với tình tiết “có tính chất côn đồ”, nên chỉ có V và T xét xử theo điểm n khoản 1 Điều 93 BLHS là đúng. Còn đối với H là người đồng phạm giúp sức, hành vi giúp sức của H không có tình tiết có tính chất côn đồ, cũng không có tình tiết định khung nào khác tại khoản 1 Điều 93 BLHS. Do đó, đối với H phải áp dụng khoản 2 Điều 93 BLHS để xét xử mới đúng pháp luật.
Kể từ ngày án lệ có hiệu lực (03/12/2018), các vụ án hình sự về tội giết người mà có đồng phạm với tình tiết tương tự như vậy thì phải áp dụng ALHS số 17/2018 để xét xử.
ALHS số 17/2018 góp phần thống nhất nhận thức về nguyên tắc xác định trách nhiệm hình sự của các đồng phạm trong vụ án hình sự. Đồng phạm phải chịu TNHS về một tội phạm mà họ thống nhất thực hiện, tuy nhiên, không phải mọi trường hợp họ đều phải chịu TNHS theo tình tiết định khung riêng của người thực hành
3. Án lệ hình sự số 18/2018
3.1. Quy định pháp luật liên quan đến án lệ
– Điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 (tương ứng với điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS 2015).
– Điều 257 BLHS 1999 (tương ứng với Điều 330 BLHS 2015)
3.2. Sự cần thiết công bố án lệ
Thực tiễn cho thấy, có những hành vi, tình tiết tương tự nhau nhưng việc định tội, định khung lại không giống nhau. Cụ thể, trong vụ án sau: Khi người điều khiển phương tiện giao thông bị cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe để kiểm tra và xử lý vi phạm thì người lái xe có hành vi chống đối và điều khiển phương tiện đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát giao thông đang thi hành công vụ dẫn đến hậu quả chết người hoặc gây thương tích, tổn hại sức khỏe cho người thi hành công vụ. Có trường hợp định tội danh là cố ý gây thương tích, trường hợp khác cũng tương tự như vậy thì lại định tội danh là chống người thi hành công vụ, có trường hợp thì truy tố, xét xử về tội giết người theo Điều 93 BLHS 1999.
Như vậy, với hành vi trên, việc định tội và định khung hình phạt là thiếu thống nhất. Do đó, cần thiết phải có một án lệ làm căn cứ định tội danh bảo đảm thống nhất trong việc áp dụng các quy định BLHS.
3.3. Nội dung vụ án hình sự và tình huống án lệ
* Nội dung vụ án
Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ). Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe. Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào giải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
Phan Thành H và Từ Công T còn có hành vi phạm tội như sau: Bị cáo Từ Công T biết rõ bị cáo Phan Thành H chưa có giấy phép lái xe hạng FC và chưa đủ tuổi để được cấp giấy phép lái xe hạng FC, nhưng Từ Công T đã thuê một người ở Hải Phòng (Từ Công T không biết rõ họ tên và địa chỉ) làm giấy phép lái xe hạng FC giả, số 520144004729 có ảnh của Phan Thành H, nhưng mang tên Lưu Văn C đưa cho Phan Thành H sử dụng nhằm lừa dối cơ quan chức năng khi điều khiển xe trên đường. Khi có giấy phép lái xe giả do Từ Công T cung cấp, Phan Thành H đã hai lần sử dụng giấy phép lái xe giả để lừa dối cảnh sát giao thông tỉnh Quảng Ngãi và Công an huyện L, tỉnh Hà Tĩnh. Hành vi sử dụng giấy phép lái xe giả lừa dối cơ quan chức năng nêu trên của Phan Thành H, thì Từ Công T đều biết.
* Tình huống án lệ
Lời khai nhận tội của bị cáo Phan Thành H và Từ Công T phù hợp với lời khai của người bị hại, lời khai của người làm chứng, kết luận giám định và các tài liệu chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án. Do đó, có đủ cơ sở kết luận: Vào khoảng 16 giờ 05 phút ngày 30-6-2017, bị cáo Phan Thành H điều khiển xe ô tô đầu kéo BKS: 77C-016.47 kéo theo sơmirơmoóc BKS: 77R-001.37, khi đi đến km 488 + 650 quốc lộ 1A thuộc địa phận xã K, huyện L, tỉnh Hà Tĩnh thì bị tổ tuần tra Phòng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Hà Tĩnh dừng xe vì đã vi phạm về tốc độ (66/60km/giờ). Bị cáo Phan Thành H đã không chấp hành vì cho rằng mình không vi phạm tốc độ, nên đã tranh cãi và điều khiển xe đâm thẳng vào ông Nguyễn Anh Đ và ông Lê Hồ Việt A là cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ, khi những người này đang đứng trước đầu xe ô tô. Ông Lê Hồ Việt A nhảy sang lề đường tránh được, còn ông Nguyễn Anh Đ buộc phải bám vào cọng gương chiếu hậu phía trước bên trái đầu xe. Phan Thành H tiếp tục điều khiển xe chạy với tốc độ cao, rồi bất ngờ đánh lái mạnh về phía bên trái vào sát giải phân cách giữa đường nhằm hất ông Nguyễn Anh Đ xuống đường để bỏ trốn. Hậu quả là ông Nguyễn Anh Đ bị rơi khỏi xe va vào dải phân cách cứng giữa đường, rồi rơi xuống đường. Phan Thành H bỏ mặc cho hậu quả xảy ra rồi tiếp tục điều khiển xe chạy trốn. Ông Nguyễn Anh Đ đã bị chấn thương sọ não, gãy chân, tổn hại sức khỏe 40%.
Do có hành vi phạm tội nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm đã xét xử bị cáo Phan Thành H về tội “Giết người” và tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức” tội phạm và hình phạt được quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 và điểm b khoản 2 Điều 267 BLHS năm 1999 là có căn cứ, đúng pháp luật.”
3.4. Tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự áp dụng án lệ
Khi án lệ số 18/2018 có hiệu lực (03/12/2018), nếu có hành vi dùng phương tiện cố ý đâm thẳng vào lực lượng cảnh sát giao thông khi thi hành công vụ gây hậu quả thương tích hoặc chết người thì phải áp dụng ALHS số 18/2018 để xét xử về tội giết người với tình tiết định khung là giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 93 BLHS 1999 hoặc điểm d khoản 1 Điều 123 BLHS 2015.
Nhận thức mở rộng, qua án lệ này giúp phân biệt rõ hành vi phạm tội giết người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân là tình tiết định khung quy định tại Điều 93 BLHS 1999, tương ứng với Điều 123 BLHS 2015 hoàn toàn khác biệt với hành vi khách quan và ý thức chủ quan của tội chống người thi hành công vụ quy định tại Điều 257 BLHS 1999, tương ứng với Điều 330 BLHS 2015.
4. Án lệ hình sự số 19/2018
4.1. Quy định pháp luật có liên quan
Điểm b, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47; Điều 60; điểm c khoản 2 Điều 278 BLHS năm 1999 (tương ứng với điểm b, s Điều 51; Điều 54; Điều 65, điểm c khoản 2 Điều 353 BLHS năm 2015);
4.2. Sự cần thiết công bố án lệ
Hiện nay, việc xác định số tiền chiếm đoạt trong hợp có khắc phục một phần hậu quả để làm căn cứ định tội và định khung hình phục còn có những cách hiểu khác nhau, thiếu tính thống nhất. Rất cần phải có một án lệ giải thích về vấn đề này. Án lệ hình sự số 19/2018 là án lệ có nội dung theo tình huống trên. Cụ thể, trong vụ án bị cáo lợi dụng sơ hở trong quản lý ngân hàng bằng thủ đoạn gian dối, nhiều lần trực tiếp làm thủ tục rút và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do bị cáo quản lí nhưng thực tế không chi có bất kì ai. Quá trình điều tra bị cáo đã khắc phục đã khắc phục được một phần số tiền đã chiếm đoạt. Viện kiểm sát nhân dân cho rằng số tiền bị cáo khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này. Việc không truy tố số tiền đã khắc phục không những bỏ lọt tội phạm mà còn dẫn đến xác định sai khung hình phạt áp dụng. Do đó, việc công bố án lệ số 19/2018 là rất cần thiết cho quá trình điều tra, truy tố và xét xử áp dụng cho thống nhất.
4.3. Nội dung vụ án và tình huống án lệ
* Nội dung vụ án
Võ Thị Ánh N không được lãnh đạo Ngân hàng nông nghiệp C giao nhiệm vụ chi tiền tiết kiệm nhưng lợi dụng sự sơ hở trong quá trình quản lý của Ngân hàng, Võ Thị Ánh N đã nhiều lần trực tiếp làm các thủ tục và chi tiền tiết kiệm từ quỹ của chi nhánh ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý cho sổ tiết kiệm NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V với tổng số tiền là 471.432.700 đồng. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra đã xác định không có khách hàng nào tên Ngô Thanh V và bản thân Võ Thị Ánh N cũng không chứng minh được ai là người đến nhận số tiền này.
Sau khi làm thủ tục chi tiền cho khách hàng Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã chuyển 251.000.000 đồng là tiền trong quỹ của ngân hàng do Võ Thị Ánh N quản lý vào tài khoản ATM mang tên Võ Thị T do Võ Thị Ánh N là người trực tiếp mở thẻ, quản lý và sử dụng; sau đó nhiều lần rút số tiền này để chiếm đoạt của Ngân hàng nông nghiệp C. Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm đã kết án Võ Thị Ánh N về tội “Tham ô tài sản” đối với số tiền 251.000.000 đồng là có căn cứ và đúng pháp luật. Tuy nhiên, số tiền mà Võ Thị Ánh N chiếm đoạt của Ngân hàng là 251.000.000 đồng nên hành vi phạm tội của Võ Thị Ánh N thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 278 BLHS “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng” có khung hình phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Tòa án cấp sơ thẩm chỉ áp dụng khoản 2 Điều 278 BLHS xử phạt bị cáo Võ Thị Ánh N 03 năm tù là quá nhẹ, không đúng với quy định của pháp luật. Khi xét xử phúc thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm không phát hiện ra sai lầm của Tòa án cấp sơ thẩm, vẫn giữ nguyên mức hình phạt và cho bị cáo hưởng án treo là sai lầm nghiêm trọng, không đánh giá đúng tính chất nguy hiểm của hành vi phạm tội do bị cáo gây ra.
* Tình huống án lệ
“Đối với số tiền còn lại 220.432.700 đồng (471.432.700 – 251.000.000 = 220.432.700 đồng) mà Võ Thị Ánh N đã chi trả cho sổ tiết kiệm bậc thang NA 1297720 mang tên Ngô Thanh V, Võ Thị Ánh N đã khắc phục xong hậu quả, Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn thành phố C đã thu hồi được toàn bộ số tiền bị mất. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Định cho rằng bị cáo đã khắc phục hậu quả nên không truy tố về hành vi này là bỏ lọt tội phạm.”
4.4. Tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự áp dụng án lệ
Khi vụ án hình sự bị truy tố về tội tham ô tài sản và xác định số tiền bị cáo chiếm đoạt. Trong quá trình điều tra, bị cáo có bồi thường, khắc phục hậu quả một phần số tiền đã chiếm đoạt, thì phải truy tố và xét xử bị cáo về tội tham ô với tổng số tiền được xác định chiếm đoạt ban đầu. Khi vụ án hình sự có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự như vậy thì Tòa án phải áp dụng án lệ Hình sự số 19/2018 để xét xử bị cáo.
Án lệ Hình sự số 19 không chỉ lập luận, giải thích, chỉ ra việc bỏ lọt hành vi phạm tội trong tội tham ô tài sản mà còn chỉ ra việc đánh giá tính chất, mức độ hậu quả hành vi phạm tội không đúng, dẫn đến áp dụng sai khung hình phạt. Lẽ ra bị cáo phải bị xét xử theo khoản 3 Điều 278 BLHS 1999,có khung hình phạt từ mười lăm năm đến hai mươi năm. Do loại trừ số tiền chiếm đoạt đã khắc phục nên Tòa án cấp sơ thẩm áp dụng khoản 2 Điều 278 BLHS 1999 có khung hình phạt từ bảy đến mười lăm năm tù để xét xử bị cáo là không đúng pháp luật.
Mặc dù số lượng các án lệ được ban hành còn khiêm tốn nhưng đã thể hiện được quyết tâm của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, các Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; được nhìn nhận là dấu ấn quan trọng về cải cách tư pháp, góp phần minh bạch hóa các bản án, quyết định của Tòa án, bảo đảm những vụ việc có tình tiết, sự kiện pháp lý như nhau thì phải được giải quyết như nhau. Các án lệ mới được công bố đã phần nào đáp ứng được mong đợi của người dân, khắc phục được các khiếm khuyết và bảo đảm việc áp dụng pháp luật thống nhất trong hoạt động xét xử, tạo tính ổn định, minh bạch trong các phán quyết của Tòa án. Theo kết quả khảo sát, từ ngày 01/ 10/2016 đến 2/2018, mới chỉ có 14 tỉnh thành phố trong cả nước áp dụng án lệ trong xét xử, với 18 bản án có áp dụng án lệ và chưa có án lệ hình sự nào được áp dụng. Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tối cao, từ này 01/10/2016 đến ngày 10/06/2018, có khoảng 143 bản án, quyết định của các Tòa án nhân dân đã viện dẫn, áp dụng án lệ (trong đó chủ yếu là viện dẫn án lệ dân sự, hôn nhân, kinh doanh, thương mại). Riêng án lệ hình sự chưa được viện dẫn, áp dụng vào trong hoạt động xét xử của hệ thống Tòa án nhân dân.
5. Kết luận
Có thể khẳng định rằng BLHS 1999 đã quy định cụ thể về dấu hiệu cấu thành tội phạm về các tội giết người, chống người thi hành công vụ,…, về nguyên tắc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm, về các tình tiết định khung tăng nặng, giảm nhẹ…. nhưng giữa các cơ quan tiến hành tố tụng còn có nhận thức khác nhau về các quy định đó dẫn đến áp dụng BLHS trong việc điều tra, truy tố và xét xử không đảm bảo tính thống nhất và đúng pháp luật.
Qua nội dung của 04 Án lệ Hình sự vừa được công bố đã khẳng định rằng: Việc nhận thức, áp dụng các quy định của BLHS có liên quan còn thiếu tính thống nhất. Bằng những lập luận, giải thích trong 04 Án lệ Hình sự vừa công bố sẽ giúp các cơ quan tiến hành tố tụng thống nhất về cách hiểu và áp dụng khi khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự tương tự về sau.
Việc công bố 04 Án lệ hình sự không chỉ góp phần giải thích, nhận thức thống nhất pháp luật mà còn là căn cứ áp dụng để xét xử các vụ án có tình tiết, sự kiện pháp lý tương tự về sau. Bảo đảm yêu cầu những vụ án tương tự, giống nhau thì phải được xét xử như nhau. Tức là, nguyên tắc công bằng của pháp luật được bảo đảm thực hiện.
Dưới góc độ nhận thức, 04 án lệ hình sự (01 Án lệ Hình sự đã có hiệu lực, 03 Án lệ Hình sự có hiệu lực từ ngày 03/12/2018) được công bố không chỉ có ý nghĩa tạo nên sự nhận thức thống nhất của việc áp dụng các quy định của BLHS liên quan đến 04 án lệ, mà còn mở rộng hoặc làm thay đổi nhận thức chung về phạm tội có tổ chức (là tình tiết tăng nặng TNHS, tình tiết định khung tăng nặng trong nhiều loại tội phạm); về nguyên tắc xác định TNHS trong các vụ án hình sự có đồng phạm; phân biệt các trường hợp khi nào hành vi chống người thi hành công vụ được xét xử theo tội danh độc lập (tội chống người thi hành công vụ), khi nào trở thành tình tiết định khung tăng nặng trong các tội phạm khác như tội giết người, tội cố ý gây thương tích,…. Đồng thời, án lệ số 19/2018 còn giúp phân định rạch ròi thời điểm hoàn thành tội phạm chiếm đoạt để làm cơ sở xác định hành vi phạm tội, khác với thời điểm khắc phục, bồi thường để xem xét giảm nhẹ hình phạt.
Nguồn: Trang thông tin điện tử Học viện Tòa án (www.hocvientoaan.edu.vn).
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!