Bình luận về tội đào nhiệm theo quy định Bộ luật Hình sự

Tội đào nhiệm là hành vi cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác của cán bộ, công chức gây hậu quả nghiêm trọng cho lợi ích Nhà nước, tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bình luận về tội đào nhiệm theo quy định Bộ luật Hình sự

Tội đào nhiệm theo quy định tại điều 363 của Bộ luật Hình sự (BLHS) năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Điều 363. Tội đào nhiệm

1. Người nào là cán bộ, công chức, viên chức mà cố ý từ bỏ nhiệm vụ công tác gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Lôi kéo người khác đào nhiệm;

b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng;

c) Phạm tội trong hoàn cảnh chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh hoặc trong trường hợp khó khăn đặc biệt khác của xã hội.

3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Bình luận:

1. Khái niệm

Đào nhiệm, được hiểu là hành vi của cán bộ, công chức, viên chức từ bỏ nhiệm vụ công tác được giao một cách cố ý.

2. Các yếu tố cấu thành tội đào nhiệm

2.1. Mặt khách quan

Mặt khách quan của tội đào nhiệm có các dấu hiệu sau đây:

a) Về hành vi. Có hành vi của cán bộ, công chức, viên chức từ bỏ nhiệm vụ, công tác được giao một cách cố ý. Được hiểu là việc cán bộ, công chức rời khỏi nơi công tác và không thực hiện nhiệm vụ công tác được giao mà không được phép của người có trách nhiệm hoặc không có lý do chính đáng.

Ví dụ: Công chức được cử đi công tác ở cơ sở nhưng tự ý ở nhà mà không đi công tác.

b) Dấu hiệu khác

Hành vi nêu trên phải gây hậu quả nghiêm trọng mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây là dấu hiệu cấu thành cơ bản của tội này.

Gây hậu quả nghiêm trọng có thể là gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, gây thiệt hại về tài sản, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm

2.2. Khách thể

Hành vi từ bỏ nhiệm vụ công tác nêu trên xâm phạm đến chế độ kỷ luật của Nhà nước đối với cán bộ, công chức.

2.3. Mặt chủ quan

Người phạm tội đã thực hiện tội này với lỗi cố ý

2.4. Chủ thể

Chủ thể của tội phạm này là cán bộ, công chức.

3. Về hình phạt

Mức hình phạt của tội phạm này được chia thành 02 khung, cụ thể như sau:

a) Khung một (khoản 01)

Có mức phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

b) Khung hai (khoản 02)

Có mức phạt tù từ 02 năm đến 07 năm

4. Hình phạt bổ sung

Ngoài việc bị áp dụng một trong các hình phạt nêu trên, tùy từng trường hợp cụ thể người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!