1.Nghiên cứu hồ sơ trong phân đoạn chuẩn bị xét xử
Trong phân đoạn này việc nghiên cứu hồ sơ chỉ là bước đầu để xác định hướng giải quyết vụ án và để tiếp tục chuẩn bị cho phân đoạn xét xử.
Ngay sau khi thụ lý vụ án thì Thẩm phán phải tiến hành ngay việc sau đây:
– Kiểm tra bút lục hồ sơ xem có đầy đủ tài liệu hay chưa? Nếu thấy thiếu bút lục hoặc có gì bất thường thì phải trao đổi với Viện Kiểm Sát để xử lý. Trường hợp hồ sơ đánh số bút lục đầy đủ thì bắt tay vào nghiên cứu.
– Kiểm tra, nghiên cứu thủ tục tiến hành tố tụng hình của từng giai đoạn tố tụng (giai đoạn điều tra, truy tố) để tiến hành các thủ tục tiếp theo hoặc nếu phát hiện có thiếu sót mà không thể khắc phục được thì tả hồ sơ để tiến hành điều tra lại hoặc điều tra bổ sung).
Ví dụ 1: Qua nghiên cứu tài liệu thấy có bị cáo là người chưa thành niên thì tiến hành các thủ tục chỉ định người bào chữa cho họ theo quy định (tại Điều 76, Điều 422 Bộ luật TTHS 2015) nhằm bảo đảm quyền bào chữa đối với đối tượng này.
Ví dụ 2: Qua nghiên cứu tài liệu thấy có bị cáo là người chưa thành niên và thấy rằng trong giai đoạn điều tra Cơ quan điều tra chưa mời người bào chữa cho người chưa thành niên theo quy định thì tiến hành ra Quyết định trả hồ sơ để tiến hành lại thủ tục điều tra theo đúng quy định nhằm bảo đảm quyền bào chữa đối với đối tượng này (theo quy định tại Điều 76 Bộ luật TTHS 2015)
– Nghiên cứu toàn bộ nội dung vụ án theo thứ tự hợp lý.
Trong nghiên cứu cần chú ý:
+Nghiên cứu bản cáo trạng và đối chiếu bản cáo trạng với bản kết luận điều tra. Trên cơ sở đó xác định thứ tự nghiên cứu các tình tiết về từng sự việc , về từng tội của từng vụ án thế nào cho hợp lý.
Ví dụ: trong vụ án có nhiều bị can bị truy tố về nhiều tội khác nhau , thì cần xác định thứ tự nghiên cứu hồ sơ vụ án như thế nào cho hợp lý.
Cần nghiên cứu về từng hành vi phạm tội đối với các bị can hay nghiên cứu đối với từng bị can về tất cả các hành vi phạm tội của họ…
+ Nghiên cứu các lời khai của những người tham gia tố tụng theo thứ tự: bị can; người bị hại; nguyên đơn dân sự; bị đơn dân sự; người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của những người này; người làm chứng theo trình tự thời gian.
+ Nghiên cứu các văn bản nhận xét , báo cáo của cơ quan , tổ chức ; kết luận giám định và các tài liệu khác trong hồ sơ vụ án.
+ Cần đọc kỹ các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực chuyên môn liên quan đến việc giải quyết vụ án (cần đọc toàn văn để hiểu đúng tinh thần và nội dung của văn bản đó).
2. Nghiên cứu hồ sơ vụ án trong phân đoạn xét xử sơ thẩm bản án vụ án hình sự (từ khi mở phiên tòa sơ thẩm cho đến khi ra bản án hoặc quyết định sơ thẩm).
Đặc điểm nghiên cứu hồ sơ vụ án của giai đoạn này là vừa xét xử vừa nghiên cứu (nghiên cứu ngay tại phiên tòa và tại phòng nghị án khi Hội đồng xét xử nghị án)
Việc nghiên cứu hồ sơ tập trung vào các tài liệu , chứng cứ được đưa ra xem xét công khai tại phiên tòa.
Đây là hoạt động nghiên cứu hồ sơ sau cùng của Thẩm phán và Hội thẩm khi giải quyết một vụ án hình sự theo thủ tục sơ thẩm.
Về cơ bản việc nghiên cứu hồ sơ chính là việc nghiên cứu là các vấn đề đã nghiên cứu khi chuẩn bị xét xử. Tuy nhiên ngoài ra còn phải nghiên cứu các vấn đề mới phát sinh như lời luận tội của đại diện Viện kiểm sát , lời bào chữa của Luật sư( nếu có), các lời khai mới tại phiên tòa hoặc các tài liệu, chứng cứ mới được bổ sung tại phiên tòa.Những vấn đề mới này phải đưa vào hồ sơ để nghiên cứu hoặc kết hợp nghiên cứu với hồ sơ vụ án.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được tư vấn hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!