Không thể phủ nhận “làn sóng” đồ ăn vặt tràn vào Việt Nam rất mạnh mẽ. Không khó để tìm một quán ăn vặt vào mỗi chiều trên các con phố từ những cô bán hàng rong và những quán sát vỉa hè. Có rất nhiều thể loại đồ ăn vặt từ đồ ăn vặt truyền thống đến đồ ăn vặt ở nước ngoài. Nói là ăn vặt vậy thôi nhưng lợi nhuận đem lại cũng “không phải dạng vừa” đâu. Và câu hỏi được đặt ra là “Những quán đồ ăn vặt có phải đăng ký giấy phép kinh doanh không?”
1. Ý nghĩa của hoạt động đăng ký kinh doanh
– Đăng ký kinh doanh không những có ý nghĩa quan trọng đối với chủ thể kinh doanh mà còn có ý nghĩa đối với việc quản lý của cơ quan nhà nước và nền kinh tế của đất nước.
– Đăng ký kinh doanh là việc chủ thể kinh doanh đăng ký những thông tin về mô hình kinh doanh mà mình dự kiến thành lập, hoặc đăng ký những dự kiến, thay đổi trong những thông tin đó với cơ quan đăng ký kinh doanh có thẩm quyền. Các thông tin của mô hình kinh doanh sẽ được lưu trữ tại Cơ sở dữ liệu quốc gia.
– Khi đăng ký kinh doanh, chủ thể kinh doanh sẽ được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đây được coi là cơ sở pháp lý để nhà nước xác nhận tư cách pháp lý của chủ thể kinh doanh khi tham gia vào quan hệ pháp luật.
– Các hoạt động đăng ký kinh doanh được cấp phép sẽ được Nhà nước bảo hộ về mặt pháp lý cũng như giúp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý được các hoạt động của chủ thể kinh doanh cũng như dễ dàng hơn trong việc kiểm soát và quản lý các thành phần của nền kinh tế hiện nay.
– Việc đăng ký kinh doanh còn có ý nghĩa giúp Nhà nước nắm bắt được các xu hướng, yếu tố trong hoạt động kinh doanh để có thể xây dựng được các quy phạm pháp luật điều chỉnh bắt buộc các hoạt động liên quan đến kinh doanh và phù hợp với thực tế để có các chính sách hợp lý và kịp thời cho sự phát triển kinh tế đất nước.
– Ngoài ra, khi đăng ký kinh doanh thì chủ thể kinh doanh có thể công khai các thông tin, hoạt động của mô hình kinh doanh trên thị trường và tạo cơ sở, niềm tin thu hút đối tác và khách hàng.
– Có thể nói đăng ký kinh doanh có ý nghĩa rất quan trọng, không chỉ đối với chủ thể kinh doanh mà còn mang ý nghĩa đảm bảo trật tự nhà nước và quyền lợi của các chủ thể khác khi tham gia hoạt động kinh doanh đó.
2. Các quán ăn vặt có cần đăng ký kinh doanh theo quy định?
Theo Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì cá nhân thương mại là cá nhân tự mình hàng ngày thực hiện một, một số hoặc toàn bộ các hoạt động được pháp luật cho phép về mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác nhưng không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Cũng theo quy định trên cá nhân thương mại bao gồm những cá nhân thực hiện các hoạt động thương mại như: buôn bán hàng rong, buôn bán vặt, buôn quà vặt, buôn chuyến, đánh giày, bán vé số, chữa khóa, sửa chữa xe,…
Như vậy, từ những điều trên có thể kết luận việc bán đồ ăn vặt là một trong những hoạt động của cá nhân thương mại và không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh. Do đó, các bạn trẻ có niềm đam mê với đồ ăn vặt, mong muốn có một cửa hàng của riêng mình và muốn được “khởi nghiệp an toàn” thì có thể thực hiện mô hình này vì sẽ không có nhiều thủ tục trong quá trình mở quán hoạt động.
Tuy nhiên, không phải loại hình kinh doanh nào ở vỉa hè hay tự phát cũng không phải đăng ký kinh doanh.
Đối với những hoạt động kinh doanh đồ ăn vặt bằng cách mở cửa hàng kinh doanh, có địa điểm cố định cũng như bán những đồ ăn cần sơ chế, chế biến thì không thuộc trường hợp không phải đăng ký kinh doanh nên những trường hợp này, chủ thể kinh doanh cần phải tiến hành đăng ký kinh doanh với mô hình hộ kinh doanh thì mới có thể tiến hành hoạt động kinh doanh đồ ăn vặt trên thực tế.
Hồ sơ đăng ký kinh doanh của hộ kinh doanh bao gồm:
– Văn bản đề nghị đăng ký kinh doanh được lập theo mẫu và có đầy đủ nội dung theo quy định.
– Họ và tên, địa chỉ và chữ ký của chủ quán ăn vặt và bản sao các giấy tờ chứng thực tư cách cá nhân của người đó.
– Bản danh sách các thành viên tiến hành tham gia vào hoạt động kinh doanh của quán ăn vặt và các giấy tờ chứng thực tư cách cá nhân của họ.
– Bản sao quyết định của hộ kinh doanh về vấn đề thành lập. Quyết định này phải có đủ chữ ký của các thành viên hộ kinh doanh.
– Văn bản ủy quyền đối với trường hợp người đi nộp hồ sơ thành lập không phải là người đại diện của hộ kinh doanh.
– Các giấy tờ cần thiết khác.Cơ quan có thẩm quyền đăng ký kinh doanh trong trường hợp này là Phòng Tài chính.
– Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện nơi mở cửa hàng đồ ăn vặt.Trong thời gian 03 ngày từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan đăng ký kinh doanh tiến hành xem xét, kiểm tra hồ sơ và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Khi kinh doanh đồ ăn vặt thì cần lưu ý đến những hoạt động có thể phải đăng ký kinh doanh thì mới có thể tiến hành hoạt động trên thực tế.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!