Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Vụ án hình sự là vụ án có dấu hiệu có nguy hiểm cho xã hội đã được quy định trong Bộ luật hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý xâm phạm đến các khách thể được pháp luật hình sự bảo vệ đã được Cơ quan điều tra ra lệnh khởi tố về hình sự để tiến hành điều tra, truy tố, xét xử theo các trình tự, thủ tục đã được quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự. Vì vậy, để khởi tố vụ án hình sự phải thỏa mãn các căn cứ theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Qua bài viết này, đội ngũ chuyên viên, Kiến thức luật xin phân tích, bình luận các căn cứ khởi tố và không khởi tố vụ án hình sự dưới góc nhìn của pháp luật tố tụng hình sự.

Căn cứ khởi tố vụ án hình sự

Là giai đoạn đầu tiên trong tố tụng hình sự, khởi tố là giai đoạn trong đó cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng tiếp nhận, giải quyết nguồn tin về tội phạm, xác định có hay không dấu hiệu của tội phạm để quyết định khởi tố vụ án hình sự, là cơ sở để chấm dứt hoạt động tố tụng hình sự hay thực hiện các hoạt động tố tụng tiếp theo của quá trình giải quyết vụ án hình sự. Theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chỉ được khởi tố vụ án khi đã xác định có dấu hiệu tội phạm. Việc xác định dấu hiệu tội phạm dựa trên những căn cứ sau:

Thứ nhất, tố giác của cá nhân: Tố giác về tội phạm là việc cá nhân phát hiện và tố cáo hành vi có dấu hiệu tội phạm với cơ quan có thẩm quyền. Tố giác của cá nhân có thể thực hiện theo phương thức trực tiếp tại trụ sở cơ quan có thẩm quyền hoặc cũng thể thực hiện theo phương thức gián tiếp thể hiện dưới dạng văn bản như: điện tín, thư, đơn tố cáo… Trường hợp cá nhân cố ý thực hiện tố giác những sai sự thật thì tùy mức độ thì phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Thứ hai, tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân: Tin báo của cơ quan, tổ chức, cá nhân là thông tin về vụ việc có dấu hiệu tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo với cơ quan có thẩm quyền. Khi nhận được thông tin về tội phạm do cơ quan, tổ chức, cá nhân thông báo, thì cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành xác minh. Nếu qua xác minh thấy vụ việc mà cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp có dấu hiệu của một tội phạm cụ thể được quy định trong Bộ luật hình sự thì sẽ ra quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Thứ ba, tin báo trên phương tiện thông tin đại chúng: Phương tiện thông tin đại chúng là một trong những phương thức tác động đến rất lớn bộ phận người dân, có thể kể đến như: đài phát thanh, đài truyền hình, báo chí… Khi có được thông tin về tội phạm do các phương tiện thông tin đại chúng đưa, thì các cơ quan có thẩm quyền phải tiến hành kiểm tra, xác minh để kết luận có dấu hiệu tội phạm hay không, làm căn cứ khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ tư, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước: Kiến nghị khởi tố là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền kiến nghị bằng văn bản và gửi kèm theo chứng cứ, tài liệu liên quan cho Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thẩm quyết xem xét, xử lý vụ việc có dấu hiệu tội phạm. Cùng với các nguồn tin khác, kiến nghị khởi tố của cơ quan nhà nước là nguồn tin để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét, quyết định khởi tố hay không khởi tố vụ án hình sự.

Thứ năm, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm: Là trường hợp Cơ quan điều tra, Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc Viện kiểm sát trực tiếp phát hiện dấu hiệu tội phạm thông qua quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình và dùng đó làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Hội đồng xét xử ra quyết định khởi tố hoặc yêu cầu Viện kiểm sát khởi tố vụ án hình sự nếu qua việc xét xử tại phiên toà mà phát hiện sự việc nào đó có dấu hiệu của tội phạm nhưng chưa được khởi tố.

Cuối cùng, người phạm tội tự thú: Tự thú là việc người phạm tội tự nguyện khai báo với cơ quan, tổ chức về hành vi phạm tội của mình trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Người phạm tội tự thú là người đã thực hiện hành vi phạm tội và họ tự mình ra thú nhận hành vi phạm tội của họ trước các cơ quan, tôe chức có thẩm quyền trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện. Việc thú nhận hành vi phạm tội của người phạm tội trước khi tội phạm hoặc người phạm tội bị phát hiện là cơ sở để đánh giá có thể có sự việc phạm tội xảy ra và khả năng người tự thú là người thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, từ lời khai của người phạm tội tự thú cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng dùng làm căn cứ khởi tố vụ án hình sự.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!