Luật doanh nghiệp năm 2014 chủ yếu điều chỉnh hoạt động của nhóm công ty ở ba khía cạnh cơ bản là (i) bảo đảm quan hệ độc lập và bình đẳng giữa công ty mẹ và công ty con; (ii) quy định về lập báo cáo tài chính của công ty mẹ có hợp nhất báo cáo tài chính của công ty con và (iii) cấm quan hệ sở hữu chéo lẫn nhau trong nhóm công ty.
1. Quy định về công ty con, công ty mẹ theo Luật Doanh nghiệp năm 2014
Công ty được coi là công ty mẹ của công ty khác nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Sở hữu trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty đó: Khái niệm sở hữu trên 50% tổng số cổ phần phổ thông chỉ dành cho công ty cổ phần. Tuy nhiên thực tế, trong số một trường hợp công ty mẹ khó có thể kiểm soát công ty con nếu chỉ dựa vào tỷ lệ sở hữu cổ phần trên tổng số cổ phần phổ thông. Bởi tổng số cổ phần phổ thông không nhất thiết bằng với tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
(ii) Có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp quyết định bổ nhiệm đa số hoặc tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc của công ty đó: Quan hệ kiểu kiểm soát có thể xác lập trên cơ sở quyền quản lý này. Công ty có quyền trực tiếp hoặc gián tiếp bổ nhiệm đa số các thành viên Hội đồng quản trị và Giám đốc của công ty khác được coi là công ty mẹ của công ty đó.
(iii) Có quyền quyết định việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ của công ty đó: Quan hệ này có thể xác lập trên cơ sở quyền sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ công ty. Công ty có quyền quyết định việc sửa đổi hoặc bổ sung điều lệ của công ty khác cũng được coi là công ty mẹ của công ty khác.
Công ty con không được đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ. Các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn, mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
Các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước không được cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014.
2. Thế nào là việc công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ?
Góp vốn thành lập doanh nghiệp đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước là bao gồm góp vốn, mua cổ phần để thành lập doanh nghiệp mới, mua phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đã thành lập.
Sở hữu chéo là việc đồng thời hai doanh nghiệp có sở hữu phần vốn góp, cổ phần của nhau.
Cùng nhau góp vốn thành lập doanh nghiệp đối với các công ty con có cùng một công ty mẹ là doanh nghiệp có sở hữu ít nhất 65% vốn nhà nước là trường hợp tổng số cổ phần, phần vốn góp của các công ty này sở hữu bằng hoặc lớn hơn 51% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần phổ thông của công ty có liên quan.
3. Công ty con không được góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ
Cấm sở hữu chéo lẫn nhau trong nhóm công ty là một quy định hoàn toàn mới và gây ra nhiều tranh cãi trong Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo quy định mới này, các công ty con không được góp vốn hoặc mua cổ phần của công ty mẹ. Ngoài ra, các công ty con của cùng một công ty mẹ không được cùng nhau góp vốn hoặc mua cổ phần để sở hữu chéo lẫn nhau.
Các công ty không có cổ phần hoặc phần vốn góp do Nhà nước nắm giữ thực hiện góp vốn, mua cổ phần trước ngày 01 tháng 7 năm 2015 không phải thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 189 của Luật Doanh nghiệp năm 2014 nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.
Trên thực tế, sở hữu chéo tương đối thông dụng trong các nhóm công ty ở Việt Nam. Luật Doanh nghiệp năm 2014 ghi nhận thực tế này và cho phép các nhóm công ty không có vốn nhà nước có tình trạng sở hữu chéo trước ngày 01/07/2015 được tiếp tục duy trì tình trạng này nhưng không được tăng tỷ lệ sở hữu chéo.
Nếu phát hiện các trường hợp công ty con đầu tư góp vốn, mua cổ phần của công ty mẹ, thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 50/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 01/06/2016 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế hoạch đầu tư quy định với mức phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!