Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì đủ yếu tố cấu thành tội dâm ô với người dưới 16 tuổi. Tuy nhiên, cách hiểu về hành vi dâm ô đang có nhiều ý kiến trái chiều.
1. Nhiều tranh cãi xung quanh hành vi “dâm ô”
Câu chuyện tranh cãi gần đây bắt đầu từ câu chuyện giáo viên của một trường tiểu học tại tỉnh Bắc Giang uống rượu sau đó dạy phụ đạo cho học sinh. Trong quá trình dạy, ông này đã có nhiều hành vi véo tai, véo mũi, xoa lưng, vỗ mông… học sinh nữ. Tuy nhiên, sau một thời gian điều tra làm rõ, Công an xác định chưa đủ căn cứ chứng minh thầy giáo có hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi.
Câu chuyện gây tranh cãi tiếp theo mới xảy ra gần đây nhất đó là việc một người đàn ông “cưỡng hôn” một bé gái trong thang máy chung cư tại thành phố Hồ Chí Minh. Trước sự kiện này đã có nhiều tranh cãi nảy lửa. Người thì cho rằng “cưỡng hôn” như vậy đã quá rõ cho hành vi dâm ô. Tuy nhiên người khác đưa ra ý kiến phải có hành vi động chạm vào bộ phận sinh dục của nạn nhân thì mới cấu thành tội dâm ô với trẻ em.
Nhiều người lo lắng với hành vi “cưỡng hôn” bé gái thì ông này chỉ bị xử phạt 200.000 đồng giống như một vụ vi phạm hành chính đã từng rầm rộ trước đó.
2. Kẽ hở của pháp luật?
Theo nhiều chuyên gia pháp luật, hiện nay dường như đang chưa có sự phân biệt rõ ràng hành vi “dâm ô” và “quấy rối tình dục”. Theo đó, dâm ô có thể được hiểu là hành vi bất kỳ đối với người khác nhằm kích thích hoặc thỏa mãn tình dục của bản thân. Còn quấy rối tình dục được hiểu là hành vi có tính chất tình dục, dùng lời nói hoặc cơ thể để khơi gợi tình dục không mong muốn.
Nói cách khác, dâm ô được thể hiện đa dạng, nhưng để xác định được phải dựa vào mục đích của chủ thể thực hiện hành vi. Nhiều người cho rằng phải có hành vi sờ vào bộ phận sinh dục mới là dâm ô. Tuy nhiên, một bác sỹ nam đỡ đẻ dù có sự động chạm vào cơ quan sinh dục của phụ nữ cũng không thể coi là dâm ô. Dâm ô nếu hành vi chứa đựng ý thức thỏa mãn sinh lý nhưng không bằng giao cấu. Sờ đùi, sờ mông, cưỡng hôn cũng là dâm ô nếu để thỏa mãn sinh lý.
Liệu có phải nhiều người vẫn đang dựa vào sự mù mờ này để gây ra những sự việc đau lòng gây bức xúc trong xã hội?
3. Cần có hướng dẫn cụ thể hơn về Tội dâm ô với người dưới 16 tuổi
Trên thực tế, hệ thống pháp lý của Việt Nam đang có những khoảng trống nhất định. Qua 2 trường hợp kể trên có thể nhận ra những lỗ hổng trong các tội phạm về tình dục. Việc pháp luật chưa thể đưa ra những hướng dẫn cụ thể, chính xác tạo ra khó khăn nhất định trong công tác áp dụng pháp luật.
Theo thống kê từ Bộ Công an, năm 2018 có 1.269 số vụ án xâm hại tình dục trẻ em (chiếm 82% so với tổng số vụ xâm hại trẻ em). Tuy nhiên, do tâm lý của người phương Đông đây có lẽ chưa phải là con số thực tế.
Vì thế, để góp phần ngăn chặn có hiệu quả tội phạm xâm hại tình dục, có lẽ đã đến lúc cần có những hướng dẫn cụ thể để nhận thức thống nhất về hành vi này nói chung và tội dâm ô với trẻ em dưới 16 tuổi nói riêng.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!