Điều kiện thay đổi quyền nuôi con

Ly hôn là chấm dứt mối quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Một trong những vấn đề tranh chấp nhiều nhất khi ly hôn đó là quyền nuôi con. Khi quyết định người được quyền nuôi con, Tòa án phải căn cứ vào quyền lợi, sự phát triển về mọi mặt của người con để quyết định ai là người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn. Tuy nhiên, khi có những điều kiện nhất định xảy ra thì quyền nuôi con có thể được thay đổi. 

điều kiện thay đổi quyền nuôi con

1. Cơ sở pháp lý quy định điều kiện thay đổi quyền nuôi con

Luật hôn nhân và gia đình năm 2014

2. Điều kiện thay đổi quyền nuôi con

Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 đã quy định căn cứ để thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn như sau:

  • Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con.
  • Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Theo quy định trên, điều kiện thay đổi quyền nuôi con thể hiện trong hai trường hợp sau:

Trường hợp 1: Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người nuôi dưỡng.

Trong trường hợp cha, mẹ thỏa thuận được về việc thay đổi người nuôi con thì hai bên có thể gửi đơn yêu cầu Tòa án công nhận thỏa thuận về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

Trường hợp 2:  Người trực tiếp nuôi con không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, giáo dục con.

Trong trường hợp này, để có thể thay đổi quyền nuôi con thì một bên phải chứng minh được người đang trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nữa.

Điều kiện trực tiếp nuôi con hoặc điều kiện thay đổi quyền nuôi con nhìn chung sẽ dựa vào các yếu tố sau:

  • Điều kiện vật chất gồm: điều kiện ăn ở, sinh hoạt, học tập, vui chơi,… Các điều kiện này được xem xét dựa trên chỗ ở, thu nhập, tài sản của người nuôi dưỡng…
  • Điều kiện về tinh thần: thời gian chăm sóc, giáo dục con; tình cảm cha – con/ mẹ – con trong quá trình nuôi dưỡng; điều kiện cho con vui chơi và hoàn thiện nhân cách; nhân cách đạo đức của người nuôi dưỡng…

Hồ sơ đề nghị thay đổi quyền nuôi con bao gồm:

  • Đơn đề nghị thay đổi quyền nuôi con sau khi ly hôn.
  • Bản án ly hôn.
  • Các tài liệu chứng minh yêu cầu thay đổi người nuôi con là có căn cứ pháp luật.
  • Sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân (bản sao chứng thực).
  • Giấy khai sinh của con (bản sao chứng thực).

Xem thêm: Yêu cầu tăng tiền cấp dưỡng nuôi con được không?

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!