Việt Nam là một trong những nước quan tâm đến gia đình và trẻ em. Pháp luật Việt Nam cho phép việc nhận nuôi con nuôi chưa thành niên và đặc biệt khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn làm con nuôi. Việc cho – nhận con nuôi để hợp pháp thì cần thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Qua bài viết dưới đây kiến thức luật sẽ phân tích về các bước để tiến hành thủ tục nhận nuôi con nuôi và thực hiện thủ tục nhận nuôi con nuôi tại đây.
1. Điều kiện nhận nuôi con nuôi
Để có thể được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc nhận nuôi con nuôi thì cần đáp ứng được những điều kiện sau đây:
+ Đối với người nhận nuôi con nuôi cần đáp ứng tất cả những điều kiện: Là người trên 18 tuổi và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; hơn con nuôi ít nhất là 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, chỗ ở bảo đảm, thu nhập ổn định cho việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi và có nhân cách, tư cách đạo đức tốt.
Người nhận nuôi con nuôi không được là người thuộc đối tượng đang có quyết định của Tòa án bị hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên hoặc đang ở tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh theo quyết định xử lý hành chính; không được là người đang thực hiện án phạt tù theo quyết định của Tòa án; không là người chưa được xóa án tích đối với một số tội mà pháp luật quy định (ví dụ như liên quan đến hành vi xâm phạm sức khỏe, tính mạng của người thân hay hành vi bạo hành gia đình,…).
Nếu trường hợp cha dượng, mẹ kế, cô, gì, cậu, chú, bác ruột là người nhận nuôi con nuôi thì sẽ không cần phải chứng minh hai điều kiện là hơn con nuôi ít nhất 20 tuổi trở lên và có điều kiện về sức khỏe, chỗ ở, thu nhập.
Đối với việc nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài thì ngoài các điều kiện kể trên còn cần đáp ứng các điều kiện theo pháp luật nước mà người nước ngoài, người Việt Nam định cư tại nước ngoài thường trú.
+ Đối với người được nhận làm con nuôi: Một người chỉ được nhận làm con nuôi một lần và thuộc một trong những đối tượng sau đây:
– Là người chưa thành niên có độ tuổi dưới 16 tuổi.
– Là người chưa thành niên có độ tuổi từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi được cha dượng, mẹ kế, cô, gì, cậu, chú, bác ruột làm cha/mẹ nhận nuôi.
2. Thẩm quyền đăng ký nhận nuôi con nuôi
– Đối với nhận nuôi con nuôi trong nước
+ Đối với nhận nuôi con nuôi trong nước:
Nhận nuôi con nuôi trong nước tức là người nhận nuôi và người được nhận nuôi đều là công dân Việt Nam và cư trú trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam.
Thẩm quyền đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi trong nước do Ủy ban nhân dân cấp xã (xã, phường, thị trấn) tại nơi đăng ký thường trú người nhận nuôi hoặc người sẽ được nhận nuôi.
Trường hợp cha dượng hoặc mẹ kế nhận con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi; cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi hoặc có sự thỏa thuận giữa người nhận con nuôi với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã thường trú của người nhận con nuôi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
Trường hợp trẻ em bị bỏ rơi chưa chuyển vào cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi lập biên bản xác nhận tình trạng trẻ em bị bỏ rơi thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi; trường hợp trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng được nhận làm con nuôi, thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có trụ sở của cơ sở nuôi dưỡng thực hiện đăng ký việc nuôi con nuôi.
+ Đối với nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:
“Yếu tố nước ngoài” trong vấn đề nhận nuôi con nuôi được xác định là người nhận nuôi con nuôi là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống, cư trú tại nước ngoài hoặc người nước ngoài cư trú tại Việt Nam.
Thẩm quyền đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài diễn ra như sau:
- Đầu tiên, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương) tại nơi đăng ký thường trú của người sẽ được nhận nuôi ra quyết định về việc đồng ý cho nhận nuôi con nuôi; nếu người sẽ được nhận nuôi là trẻ em ở cơ sở nuôi dưỡng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cơ sở nuôi dưỡng đó đặt trụ sở sẽ là nơi ra quyết định về việc đồng ý cho nhận con nuôi.
- Sau đó, dựa vào quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì Sở Tư pháp nơi đăng ký thường trú của người sẽ được nhận nuôi sẽ thực hiện việc đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi.
Ngoài ra, nếu công dân Việt Nam mới đang tạm trú tại nước ngoài mà muốn nhận nuôi con nuôi Việt Nam thì thẩm quyền đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi do Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đặt trụ sở tại quốc gia mà người Việt Nam đó đang tạm trú (ví dụ: đại sứ quán Việt Nam ở nước sở tại,…).
Nếu cả người nhận nuôi và người sẽ được nhận nuôi là người Việt Nam đang tạm trú tại nước ngoài thì Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại nơi người nhận nuôi hoặc người sẽ nhận nuôi tạm trú; nếu tại hai bên tạm trú mà không có Cơ quan đại diện thì việc nộp hồ sơ đăng ký nhận nuôi con nuôi tại Cơ quan đại diện nào thuận tiện nhất với họ.
3. Trình tự thủ tục nhận nuôi con nuôi
3.1. Nhận nuôi con nuôi trong nước
+ Hồ sơ của người nhận con nuôi:
- Đơn xin nhận con nuôi (theo mẫu do Chính phủ được nơi đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi cấp miễn phí).
- Bản sao có công chứng, chứng thực của một trong những giấy tờ: chứng minh nhân dân, căn cước công dân, hộ chiếu hoặc giấy tờ tương đương.
- Phiếu lý lịch tư pháp do Sở Tư pháp cấp.
- Giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân: bản sao công chứng, chứng thực giấy chứng nhận đăng ký kết hôn; giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nếu đang độc thân do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký thường trú cấp; bản sao công chứng, chứng thực bản án hoặc quyết định của Tòa án nếu đã ly hôn hoặc vợ/chồng bị Tòa tuyên bố mất tích, tuyên bố chết; bản sao công chứng, chứng thực giấy chứng tử vợ/chồng đã chết;…
- Giấy xác nhận điều kiện về kinh tế, chỗ ở, tư cách đạo đức do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp.
- Giấy khám sức khỏe của cơ sở khám, chữa bệnh cấp quận, huyện trở lên cấp.
Ba loại giấy tờ: phiếu lý lịch tư pháp, giấy xác nhận điều kiện, giấy khám sức khỏe chỉ có giá trị sử dụng trong vòng thời hạn 06 tháng kể từ ngày cấp đến ngày nộp hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi. Nếu đến ngày đi nộp hồ sơ mà những giấy tờ này đã xin trước đó 06 tháng thì không có giá trị pháp lý.
+ Hồ sơ của người được nhận làm con nuôi:
- Bản sao công chứng, chứng thực giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh.
- Giấy khám sức khỏe của cơ sở khám, chữa bệnh cấp quận, huyện trở lên cấp.
- Hai ảnh chụp thẳng, toàn thân của người được nhận làm con nuôi.
- Một số giấy tờ khác: biên bản xác nhận của chính quyền địa phương đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của bố mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố về việc bố mẹ đẻ bị mất tích hoặc bị chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; quyết định tiếp nhận của cơ sở nuôi dưỡng đối với những trẻ em đang được nuôi dưỡng bởi một đơn vị khác (ví dụ: làng trẻ mồ côi SOS, cô nhi viện,…).
Người nộp hồ sơ nhận nuôi con nuôi nộp 01 bộ hồ sơ cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thủ tục nhận nuôi. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có trách nhiệm thông báo và trả kết quả.
3.2. Nhận nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài
+ Hồ sơ của người xin nhận con nuôi: chuẩn bị 02 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau đây:
- Đơn xin nhận con nuôi (có mẫu sẵn).
- Bản sao công chứng, chứng thực của hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị tương đương.
- Văn bản xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại Việt Nam đồng ý được nhận con nuôi tại Việt Nam.
- Giấy xác nhận về gia đình, tâm lý.
- Giấy tờ chứng minh về tài sản và thu nhập thực tế.
- Giấy khám sức khỏe do cơ sở khám, chữa bệnh có đủ thẩm quyền cấp.
- Phiếu lý lịch tư pháp của người đứng đầu tổ chức con nuôi nước ngoài hoặc của người dự kiến đứng đầu Văn phòng con nuôi nước ngoài tại Việt Nam cấp.
- Giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân.
- Trong một số trường hợp đặc biệt cần có thêm: bảo sao công chứng, chứng thực giấy tờ chứng minh là cha dượng, mẹ kế, cô, dì, chú, bác, cậu ruột của người được nhận làm con nuôi; giấy tờ chứng minh trẻ em nhận nuôi là người khuyết tật hoặc mắc bệnh hiểm nghèo….
+ Hồ sơ của trẻ em được cho làm con nuôi: chuẩn bị 03 bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
- Bản sao công chứng, chứng thực giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh.
- Giấy khám sức khỏe của cơ sở khám, chữa bệnh cấp quận, huyện trở lên cấp.
- Hai ảnh chụp thẳng, toàn thân của người được nhận làm con nuôi.
- Một số giấy tờ khác: biên bản xác nhận của chính quyền địa phương đối với trường hợp trẻ em bị bỏ rơi; Giấy chứng tử của bố mẹ đẻ hoặc quyết định của Tòa án tuyên bố về việc bố mẹ đẻ bị mất tích hoặc bị chết hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự; quyết định tiếp nhận của cơ sở nuôi dưỡng đối với những trẻ em đang được nuôi dưỡng bởi một đơn vị khác (ví dụ: làng trẻ mồ côi SOS, cô nhi viện,…).
- Bản khai nhận về sở thích, thói quen, đặc điểm nổi bật của người được nhận nuôi.
- Giấy tờ, tài liệu chứng minh đã tìm người nhận nuôi khác trong nước nhưng không thành.
Người nộp hồ sơ nhận nuôi con nuôi sẽ nộp 03 bộ hồ sơ của người được nhận làm con nuôi cho Sở Tư pháp nuôi người được nhận đăng ký thường trú. Đồng thời, nộp 02 bộ hồ sơ của người nhận nuôi tại Cục Con nuôi, nếu không thể tự mình đi nộp có thể ủy quyền cho người có quan hệ họ hàng, thân thích tại Việt Nam đi nộp hoặc gửi hồ sơ với hình thức bảo đảm qua đường bưu điện.
Sau khi nhận được hồ sơ, Cục Con nuôi xem xét, xét duyệt hồ sơ về tất cả các điều kiện nhận nuôi con nuôi, nếu kết quả kiểm tra đạt đủ điều kiện thì chuyển hồ sơ cho Sở Tư pháp. Sở Tư pháp có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ trong vòng thời hạn 30 ngày và báo cáo cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Khi có quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tư pháp sẽ thực hiện việc đăng ký thủ tục nhận nuôi con nuôi cho có yếu tố nước ngoài này.
Trên đây là nội dung về các bước tiến hành nhận nuôi con nuôi và nộp hồ sơ tại đâu. Nếu còn thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ kiến thức luật để được hỗ trợ, tư vấn nhanh chóng bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!