Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ – con

Để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con Luật Hộ tịch năm 2014 và các văn bản hướng dẫn như Nghị định 123/2015/NĐ-CP, Thông tư 15/2015/TT-BTP đã quy định khá rõ ràng, đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là các trường hợp khai sinh cho trẻ chưa xác định được cha, mẹ. 

Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ, con

Điều 11 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định: Chứng cứ để chứng minh quan hệ cha, mẹ, con theo quy định tại khoản 1 Điều 25 và khoản 1 Điều 44 của Luật Hộ tịch gồm một trong các giấy tờ, tài liệu sau đây:

1. Văn bản của cơ quan y tế, cơ quan giám định hoặc cơ quan khác có thẩm quyền ở trong nước hoặc nước ngoài xác nhận quan hệ cha con, quan hệ mẹ con.

2. Trường hợp không có văn bản quy định tại khoản 1 Điều này thì phải có thư từ, phim ảnh, băng, đĩa, đồ dùng, vật dụng khác chứng minh mối quan hệ cha con, quan hệ mẹ con và văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc trẻ em là con chung của hai người, có ít nhất hai người thân thích của cha, mẹ làm chứng.

Thông thường, các văn bản xác nhận của cơ quan y tế, cơ quan giám định xác nhận quan hệ cha, mẹ, con đều dựa trên kết luận giám định ADN. Cơ quan đăng ký hộ tịch sẽ giải thích rõ trách nhiệm, hệ quả pháp lý của việc cam đoan, làm chứng không đúng sự thật. Nếu có cơ sở xác định nội dung cam đoan, làm chứng không đúng sự thật, kết quả đăng ký hộ tịch nhận cha, mẹ, con sẽ bị hủy.

Người yêu cầu đăng ký nhận cha, mẹ, con nộp tờ khai theo mẫu quy định và chứng cứ chứng minh quan hệ cha con hoặc mẹ con cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Khi đăng ký nhận cha, mẹ, con các bên phải có mặt.

Trường hợp đăng ký nhận cha, mẹ, con giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài hoặc giữa người nước ngoài với nhau thì người nước ngoài phải nộp thêm bản sao hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay hộ chiếu để chứng minh về nhân thân.

giấy  tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ - con

Đăng ký nhận cha, mẹ, con trong một số trường hợp đặc biệt

Điều 13 Thông tư 15/2015/TT-BTP quy định:

– Trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng ký kết hôn, sinh con, người con sống cùng với người cha, khi người cha làm thủ tục nhận con mà không liên hệ được với người mẹ thì không cần có ý kiến của người mẹ trong Tờ khai đăng ký nhận cha, mẹ, con.

– Nếu có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì phần khai về người mẹ được ghi theo Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ. Nếu không có Giấy chứng sinh và giấy tờ tuỳ thân của người mẹ thì ghi theo thông tin do người cha cung cấp, người cha chịu trách nhiệm về thông tin do mình cung cấp.

– Trường hợp con do người vợ sinh ra trước khi đăng ký kết hôn, nếu đã được đăng ký khai sinh không có thông tin về người cha, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con mà làm thủ tục bổ sung hộ tịch để ghi bổ sung thông tin về người cha trong Sổ đăng ký khai sinh và Giấy khai sinh của người con.

– Nếu con sinh ra trước khi đăng ký kết hôn và chưa được đăng ký khai sinh mà khi đăng ký khai sinh, vợ chồng có văn bản thừa nhận là con chung thì thông tin về người cha được ghi ngay vào Giấy khai sinh của người con mà không phải làm thủ tục đăng ký nhận cha, mẹ, con.

Trên đây là ý kiến tư vấn của Kiến thức luật về “Giấy tờ chứng minh quan hệ cha, mẹ – con”. Nếu có thắc mắc liên quan đến vấn đề trên hãy liên hệ với Kiến thức luật để được hỗ trợ tư vấn nhanh chóng bạn nhé.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!