Góp vốn có thể là góp vốn để thành lập doanh nghiệp hoặc góp vốn thêm. Trường hợp mở công ty có thể góp vốn bằng tiền mặt được không hay phải chuyển khoản?
1. Doanh nghiệp góp vốn không được dùng tiền mặt
Tiền mặt là tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước phát hành (khoản 1 Điều 3 Nghị định 222/2013/NĐ-CP về thanh toán bằng tiền mặt).
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư 09/2015/TT-BTC, các doanh nghiệp không sử dụng tiền mặt gồm cả tiền giấy, tiền kim loại để thanh toán khi thực hiện các giao dịch góp vốn, mua bán và chuyển nhượng phần vốn góp vào doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp góp vốn không được dùng tiền mặt. Khi góp vốn vào doanh nghiệp, các doanh nghiệp được sử dụng các hình thức sau:
– Thanh toán bằng Séc;
– Thanh toán bằng ủy nhiệm chi – chuyển tiền;
– Các hình thức thanh toán không sử dụng tiền mặt phù hợp khác.
2. Cá nhân có thể góp vốn bằng tiền mặt
Thanh toán bằng tiền mặt là việc sử dụng tiền mặt để trực tiếp chi trả hoặc thực hiện các nghĩa vụ trả tiền khác trong các giao dịch thanh toán.
Căn cứ vào quy định nêu trên, việc không được góp vốn bằng tiền mặt chỉ bắt buộc với doanh nghiệp.
Đồng thời, công văn 786/TCT-CS có nêu, cá nhân khi góp vốn vào doanh nghiệp được phép thanh toán bằng tiền mặt.
Như vậy, cá nhân khi góp vốn vào các doanh nghiệp có thể góp bằng tiền mặt, không có quy định bắt buộc góp vốn phải qua tài khoản ngân hàng.
Tuy nhiên, để đảm bảo minh bạch, rõ ràng nên chọn thanh toán qua ngân hàng.
3. Góp vốn bằng tiền mặt cần chứng từ gì?
Trong trường hợp cá nhân góp vốn bằng tiền mặt để mở công ty cần chuẩn bị các chứng từ sau:
– Phiếu thu: Nội dung ghi rõ góp vốn kinh doanh vào công ty; Đầy đủ chữ ký và họ tên của người nộp tiền, người thu tiền, người lập phiếu.
– Biên bản kiểm kê tiền mặt.
– Biên bản góp vốn.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!