Câu hỏi: Đầu năm 2016, vì một số lý do cá nhân nên tôi sang Nhật và gặp một người đàn ông có quốc tịch Nhật.Vì tôi muốn được mang quốc tịch Nhật nên tôi đã thỏa thuận với anh ấy để làm thủ tục kết hôn mục đích để cho tôi được nhập quốc tịch Nhật và định cư lâu dài ở đây. Tuy nhiên, đến cuối năm 2017 cơ quan cảnh sát ở đây phát hiện và trục xuất cho tôi trở về nước. Vậy, cho tôi hỏi trường hợp kết hôn của tôi có phải là kết hôn giả tạo không? Xử lý như thế nào?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Kiến thức luật. Để giải đáp thắc mắc của bạn đội ngũ Chuyên viên tư vấn đưa ra nội dung trả lời như sau:
1. Căn cứ pháp lý
- Luật hôn nhân và gia đình 2014.
- Nghị định 110/2013/NĐ-CP Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã.
2. Kết hôn giả tạo
2.1. Điều kiện kết hôn chung theo pháp luật hiện hành
Điều kiện kết hôn được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 như sau:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Việc kết hôn tự nguyện quyết định.
- Hai bên Không bị mất năng lực hành vi dân sự.
- Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
- Kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính.
Xem thêm: Kết hôn là gì? Điều kiện kết hôn?
2.2. Kết hôn giả tạo là gì?
Trường hợp của bạn là kết hôn giả tạo được pháp luật Việt Nam quy định tại Khoản 11 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình 2014“Kết hôn giả tạo là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình.”
Kết hôn giả tạo là thuật ngữ chỉ về một cuộc hôn nhân có mục đích cá nhân, thỏa thuận ngầm hoặc trái quy định với pháp luật để tiến hành kết hôn vì những lý do khác hơn là những lý do xây dựng gia đình hay kết hôn trên cơ sở tình yêu.
Kết hôn giả tạo nói chung là vẫn đảm bảo về mặt thủ tục và cặp vợ chồng vẫn được cấp hôn thú tuy nhiên mục đích kết hôn không đảm bảo, việc kết hôn và các thủ tục pháp lý chỉ là hình thức trên mặt giấy tờ, thực tế hai người không hề chung sống với nhau hoặc nhanh chóng ly hôn sau khi đã đạt mục đích.
3. Xử lý kết hôn giả tạo
Căn cứ Khoản 3 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014: “Mọi hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình phải được xử lý nghiêm minh, đúng pháp luật. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan khác có thẩm quyền áp dụng biện pháp kịp thời ngăn chặn và xử lý người có hành vi vi phạm pháp luật về hôn nhân và gia đình.”
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của chúng tôi đối với một số vấn đề cần biết về kết hôn giả tạo. Nếu có bất kì vấn đề pháp lí nào còn vướng mắc, hãy liên hệ với Kiến thức luật để được tư vấn luật kịp thời.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!