1. Tội phạm là gì ?
Theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 có định nghĩa về tội phạm
“Điều 8. Khái niệm tội phạm
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự.”
1. Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.
2. Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
3. Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.
4. Những hành vi tuy có dấu hiệu của tội phạm, nhưng tính chất nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, thì không phải là tội phạm và được xử lý bằng các biện pháp khác.
Như vậy, từ khái niệm đầy đủ này, có thể định nghĩa tội phạm một cách khái quát:
Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, được quy định trong luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý,xâm hại các quan hệ xã hội mà Luật hình sự bảo vệ và phải chịu hình phạt.
2. Dấu hiệu của tội phạm
Theo Luật hình sự Việt Nam, tội phạm phải là hành vi của con người (hành động và không hành động). Nếu không có hành vi thì không có tội phạm. Ngay cả khi pháp nhân thương mại (một chủ thể của tội phạm) phải chịu trách nhiệm hình sự thì đó cũng là chịu trách nhiệm hình sự do hành vi phạm tội do cá nhân hay tập thể con người thực hiện dưới danh nghĩa pháp nhân thương mại, còn pháp nhân thương mại không thể tự thực hiện được hành vi nào để có thể phạm tội.
Hành vi được hiểu dưới góc độ Luật hình sự là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan được ý thức kiểm soát và ý chí điều khiển.
Những gì trong tư tưởng, trong suy nghĩ, chưa thể hiện ra bên ngoài thế giới khách quan bằng hành vi thì chưa thể là tội phạm. Bởi vì, chỉ thông qua hành vi của mình con người mới có thể gây ra thiệt hại, gây ra sự nguy hiểm cho xã hội.
Hành vi bị coi là tội phạm được phân biệt với hành vi không phải là tội phạm thông qua 05 đặc điểm sau: đặc điểm nguy hiểm cho xã hội, đặc điểm có lỗi, đặc điểm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, đặc điểm được quy định trong luật hình sự và đặc điểm phải chịu hình phạt.
a) Nguy hiểm cho xã hội ở mức độ đáng kể
Hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm được hiểu dưới 2 góc độ: Gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho xã hội về khách quan và có lỗi về chủ quan.
* Về khách quan:
– Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội là gây ra hoặc đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể cho các quan hệ xã hội được Luật Hình sự bảo vệ (trong đó các quan hệ xã hội quy định tại khoản 1 Điều 8 Bộ luật Hình sự).
+ Gây ra thiệt hại đáng kể: Là làm biến đổi tình trạng của quan hệ hoặc đối tượng bị tác động được Luật hình sự bảo vệ ở mức độ đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện luôn gây ra thiệt hại đáng kể và luôn bị coi là tội phạm mà không thể là vi phạm pháp luật khác.
Ví dụ: Hành vi giết người, hành vi hiếp dâm, hành vi cướp tài sản… (Điều 123, Điều 141, Điều 168 Bộ luật Hình sự).
(-) Có loại hành vi khi thực hiện chưa gây ra thiệt hại đáng kể, chưa phải là tội phạm nhưng nếu có thêm các dấu hiệu khác (dấu hiệu về định tính và định lượng) thì lại gây ra thiệt hại đáng kể và là tội phạm.
Ví dụ: Hành vi trồng cây thuốc phiện. Riêng hành vi này chưa có đặc điểm nguy hiểm đáng kể, phải có thêm dấu hiệu khác là “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm” thì hành vi lại có đặc điểm nguy hiểm đáng kể (Điều 247 Bộ luật Hình sự).
+ Đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể: Là chưa làm biến đổi tình trạng của quan hệ xã hội hoặc đối tượng bị tác động được Luật hình sự bảo vệ nhưng đã đặt chúng ở trong tình trạng nguy hiểm đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện luôn đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể, luôn là tội phạm mà không thể là vi phạm pháp luật khác.
Ví dụ: Hành vi thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân (Điều 109 Bộ luật Hình sự). Hành vi này tuy chưa lật đổ được chính quyền nhân dân, nhưng đã đe dọa đến sự tồn tại, an toàn của chính quyền nhân dân đã đặt quan hệ xã hội này trong sự nguy hiểm đáng kể.
(-) Có loại hành vi khi thực hiện chưa đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể, chưa phải là tội phạm nhưng có thêm các dấu hiệu khác (dấu hiệu về định tính và định lượng) thì lại đe dọa gây ra thiệt hại đáng kể và là tội phạm.
Ví dụ: Hành vi đe dọa giết người. Riêng hành vi này thì chưa đe dọa gây thiệt hại đáng kể nhưng nếu có thêm dấu hiệu “có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện” thì hành vi này lại đe dọa gây thiệt hại đáng kể (Điều 133 Bộ luật Hình sự).
Các QHXH bị gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đáng kể (được coi là đối tượng tác động của tội phạm) phải là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ (được xác định ở Điều 1 và Điều 8 Bộ luật Hình sự).
+ Về chủ quan: Đặc điểm nguy hiểm cho xã hội còn bao gồm cả yếu tố lỗi. (Như chúng ta đã biết, xử sự của con người bao giờ cũng là sự thống nhất giữa mặt khách quan và mặt chủ quan; hai mặt này bao giờ cũng có quan hệ chặt chẽ với nhau). Đặc điểm có lỗi là bộ phận hợp thành của đặc điểm nguy hiểm cho xã hội, không thể có hành vi nguy hiểm cho xã hội bị coi là tội phạm mà không có lỗi. Tuy nhiên, để nhấn mạnh nguyên tắc có lỗi, Luật hình sự Việt Nam tách đặc điểm có lỗi là dấu hiệu độc lập của tội phạm (Bài 3 sẽ nghiêng về yếu tố lỗi).
+ Những tình tiết là căn cứ đánh giá đặc điểm nguy hiểm cho xã hội của hành vi
Để đánh giá đặc điểm nguy hiểm cho xã hội của hành vi được dựa trên cơ sở các căn cứ sau:
* Tính chất của quan hệ xã hội bị xâm hại
Ví dụ: Hành vi cắt đứt đường dây thông tin liên lạc của Quốc gia.
Nếu nhằm chống chính quyền nhân dân thì sẽ xâm hại đến an ninh Quốc gia và có tính nguy hiểm cao (Điều 114 Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước CHXHCN Việt Nam); nếu để bán lấy tiền thì sẽ xâm hại đến trật tự an toàn xã hội và có tính nguy hiểm thấp hơn (Điều 303 Tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh Quốc gia).
* Tính chất của hành vi khách quan, trong đó bao gồm cả tính chất của phương pháp, thủ đoạn, công cụ và phương tiện phạm tội
Ví dụ: Hành vi giết người bằng phương pháp có khả năng làm chết nhiều người, hoặc bằng cách lợi dụng nghề nghiệp thì nguy hiểm hơn không sử dụng các phương pháp, thủ đoạn đó (Điều 123 Bộ luật Hình sự).
* Mức độ thiệt hại gây ra hoặc đe dọa gây ra cho quan hệ xã hội bị xâm hại (biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như mức độ gây thương tật, giá trị tài sản bị xâm hại, giá trị hàng hóa phạm pháp…)
Ví dụ: Hành vi hủy hoại tài sản, những tài sản có giá trị tài sản càng lớn thì tính chất nguy hiểm cho xã hội càng lớn (Điều 178 Bộ luật Hình sự).
* Tính chất và mức độ lỗi
Ví dụ: Cũng là hành vi làm lộ bí mật Nhà nước nếu với lỗi cố ý thì bao giờ cũng nguy hiểm hơn với lỗi vô ý (Điều 337, 338 Bộ luật Hình sự).
* Động cơ, mục đích của người có hành vi phạm tội
Ví dụ: Hành vi mua bán người vì động cơ đê hèn (điểm b khoản 2), hoặc để lấy bộ phận cơ thể của nạn nhân (điểm b khoản 3) có tính nguy hiểm hơn so với hành vi mua bán trẻ em vì động cơ vô lí đơn thuần (khoản 1, Điều 150).
* Hoàn cảnh chính trị – xã hội lúc và nơi hành vi phạm tội xảy ra
Ví dụ: Hành vi chống mệnh lệnh trong chiến đấu (điểm a khoản 3) có tính nguy hiểm cao hơn so với hành vi chống mệnh lệnh trong huấn luyện, thường trực sẵn sàng chiến đấu trong thời bình (khoản 1) (Điều 394 Bộ luật Hình sự Tội chống mệnh lệnh).
* Nhân thân của người có hành vi phạm tội
Nhân thân là tổng hợp các đặc điểm riêng của người phạm tội có ý nghĩa đối với việc giải quyết TNHS của họ như: độ tuổi, nghề nghiệp, trình độ văn hóa, hoàn cảnh gia đình, tiền án, tiền sự…
Ví dụ: Hành vi cướp tài sản của người phạm tội có tính chất chuyên nghiệp (điểm b khoản 2) thì nguy hiểm hơn đối với người không có tính chất chuyên nghiệp (Điều 168 Bộ luật Hình sự).
Những tình tiết trên đây không những có ý nghĩa đối với người áp dụng Luật hình sự mà trước hết nó là cơ sở để các nhà làm luật xác định những hành vi nào là nguy hiểm cho xã hội và cấu thành tội phạm để quy định trong Bộ luật Hình sự .
* Vị trí, ý nghĩa của đặc điểm nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội:
+ Là đặc điểm (dấu hiệu) cơ bản, quan trọng nhất, quyết định những đặc điểm (dấu hiệu) khác của tội phạm.
+ Là căn cứ để phân biệt hành vi là tội phạm với những hành vi vi phạm khác.
+ Là cơ sở để đánh giá mức độ nghiêm trọng nhiều hay ít của hành vi phạm tội và qua đó giúp cho việc phân hóa trách nhiệm hình sự được chính xác.
b) Có lỗi
Lỗi là thái độ chủ quan của con người đối với hành vi (có đặc điểm nguy hiểm cho xã hội) của mình và đối với hậu quả của hành vi đó thể hiện dưới dạng cố ý hoặc vô ý.
– Điều kiện bị coi là có lỗi
+ Người bị coi là có lỗi khi người đó thực hiện hành vi gây thiệt hại cho xã hội nếu hành vi ấy là kết quả của sự tự lựa chọn và quyết định của chủ thể trong khi có đủ điều kiện quyết định thực hiện xử sự khác phù hợp với đòi hỏi của xã hội.
(-) Ví dụ: Do mâu thuẫn cá nhân, Nguyễn Văn An (30 tuổi) đã gây thương tích cho Trần Văn Bình (tỷ lệ thương tật 40%). Trong trường hợp này, An vẫn có những lựa chọn về cách giải quyết mâu thuẫn phù hợp với quy định của pháp luật; An nhận thức được hành vi gây thương tích cho Bình là trái pháp luật nhưng vẫn cố ý gây thương tích cho Bình. Vì vậy, An đã trở thành người thực hiện hành vi phạm tội.
* Vị trí, ý nghĩa của đặc điểm có lỗi
+ Là đặc điểm độc lập với đặc điểm nguy hiểm cho xã hội nhưng không phải để tách đặc điểm có lỗi ra khỏi đặc điểm nguy hiểm mà để nhấn mạnh tính chất quan trọng của đặc điểm có lỗi.
+ Là căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự người thực hiện hành vi phạm tội.
Luật Hình sự Việt Nam không quy tội khách quan, nghĩa là quy trách nhiệm hình sự cho người nào đó chỉ căn cứ vào hành vi gây thiệt hại mà không căn cứ vào lỗi của họ.
* Mối quan hệ với đặc điểm nguy hiểm cho xã hội:
Đặc điểm có lỗi có mối quan hệ chặt chẽ với đặc điểm nguy hiểm cho xã hội. Điều đó thể hiện, bất kì hành vi nguy hiểm cho xã hội nào bị coi là tội phạm cũng phải có lỗi.
Đặc điểm được quy định trong Luật Hình sự
– Được quy định trong Luật Hình sự là thực hiện một hành vi mà theo Luật Hình sự cấm thực hiện hoặc không thực hiện một hành vi mà theo Luật Hình sự buộc phải thực hiện.
(-) Ví dụ: Điều 132 Bộ luật Hình sự quy định buộc phải cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng nếu có điều kiện mà không cứu giúp dẫn đến hậu quả người đó chết là một trường hợp của hành vi được quy định trong luật hình sự.
– Đặc điểm được quy định trong Luật Hình sự là đặc điểm pháp lí bắt buộc phải có ở mọi hành vi bị coi là tội phạm.
Điều này được thể hiện cụ thể:
Điều 2 Bộ luật Hình sự quy định: “Chỉ người nào phạm một tội đã được Bộ luật Hình sự quy định mới phải chịu trách nhiệm hình sự. Chỉ pháp nhân thương mại nào phạm một tội đã được quy định tại Điều 76 của Bộ luật này mới phải chịu trách nhiệm hình sự”
Khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự quy định: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự,…”
(-) Ví dụ: Trước ngày 01/01/2018, tất cả các hành vi vi phạm pháp luật nhân danh pháp nhân thương mại đều không bị xử lý hình sự do trước khi Bộ luật Hình sự năm 2015 có hiệu lực thì pháp nhân thương mại chưa phải chủ thể của tội phạm.
* Vị trí, ý nghĩa đặc điểm được quy định trong Luật Hình sự
+ Đặc điểm được quy định trong Luật Hình sự là đặc điểm về mặt hình thức pháp lí được xác định bởi đặc điểm nguy hiểm cho xã hội. Tuy nhiên, đặc điểm trái pháp luật hình sự có tính độc lập tương đối và thể hiện rõ nét nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.
+ Là cơ sở để đảm bảo cho đường lối đấu tranh phòng chống tội phạm được thống nhất.
+ Bảo đảm cho quyền dân chủ của công dân không bị những hành vi xử lý tùy tiện vi phạm; tránh việc xác định tội danh và áp dụng hình phạt một cách tùy tiện.
+ Là động lực thúc đẩy cơ quan lập pháp kịp thời bổ sung sửa đổi luật theo sát sự thay đổi của tình hình chính trị, kinh tế, xã hội.
c) Do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện
– Người có năng lực trách nhiệm hình sự là người đủ tuổi chịu TNHS theo quy định của Luật Hình sự và không thuộc trường hợp mất năng lực nhận thức hoặc năng lực điều khiển hành vi.
Điều 12 BLuật hình sự quy định:
1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, 141, 142, 143, 144, 150, 151, 168, 169, 170, 171, 173, 178, 248, 249, 250, 251, 252, 265, 266, 286, 287, 289, 290, 299, 303 và 304 của Bộ luật này.
Điều 21 Bộ luật Hình sự quy định: “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự.”
Đây là một đặc điểm về chủ thể của tội phạm mặc dù đặc điểm này đã được phản ánh gián tiếp qua đặc điểm được quy định trong Luật Hình sự.
+ Tuy mọi hành vi nói chung và hành vi nguy hiểm cho xã hội đều phải do cá nhân thực hiện và mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành đều thông qua hành vi của những cá nhân nhưng theo quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì pháp nhân thương mại vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự khi những cá nhân đó nhân danh pháp nhân thương mại để thực hiện hành vi phạm tội. Vì vậy, pháp nhân thương mại cũng được coi là chủ thể của tội phạm. Những quy định đối với pháp nhân thương mại được quy định tại Chương XI Bộ luật Hình sự năm 2015.
Điều 75 quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
1. Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
b) Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
c) Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
d) Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Điều 76 quy định phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm quy định tại một trong các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195, 196, 200, 203, 209, 210, 211, 213, 216, 217, 225, 226, 227, 232, 234, 235, 237, 238, 239, 242, 243, 244, 245, 246, 300 và 324 của Bộ luật này.
d) Phải chịu hình phạt
– Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm trừng trị, giáo dục người phạm tội và giáo dục người khác.
– Đặc điểm phải chịu hình phạt là đặc điểm của tội phạm nhưng không phải là thuộc tính bên trong của tội phạm như đặc điểm nguy hiểm cho xã hội và đặc điểm trái pháp luật hình sự.
Đây chỉ là đặc điểm kèm theo của đặc điểm nguy hiểm cho xã hội và đặc điểm trái pháp luật hình sự. Do vậy, Điều 8 Bộ luật Hình sự không đề cập đặc điểm này trong khái niệm tội phạm.
Hình phạt chỉ có thể áp dụng đối với người có hành vi phạm tội, không thể áp dụng hình phạt khi không có tội phạm xảy ra.
– Đặc điểm phải chịu hình phạt thể hiện là bất kì hành vi phạm tội nào cũng đều bị đe dọa phải chịu hình phạt.
Trong thực tế vẫn có trường hợp người phạm tội không phải chịu hình phạt (người phạm tội được TNHS, được miễn hình phạt hoặc miễn chấp hành hình phạt Điều 25, 54, 57 và 60 Bộ luật hình sự), không có nghĩa là hành vi phạm tội mà họ thực hiện không có đặc điểm chịu hình phạt mà ngược lại khả năng đe dọa phải chịu hình phạt vẫn có.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!