Làm sao để giành quyền nuôi con khi thu nhập kém vợ?

Câu hỏi: Tôi thu nhập kém vợ rất nhiều, mọi mối quan hệ cũng không bằng thì có khả năng nào sẽ giành được quyền nuôi con từ cô ấy?

Tôi 45 tuổi, vợ kém gần 10 tuổi. Chúng tôi có hai con, một trai một gái. Một năm nay, vợ tôi nhất quyết đòi ly hôn. Cô ấy nói đã hết tình cảm và thất vọng vì tôi không đóng góp kinh tế hay hỗ trợ gì việc nuôi dạy con. Quả thực nhiều năm nay, công việc làm ăn không thuận lợi nên tôi chủ yếu trả nợ, không dư dả để lo cho gia đình, con cái.

Vợ tôi đòi nuôi cả hai con sau ly hôn. Cô ấy khá vững về kinh tế và hai đứa trẻ cũng bám mẹ hơn bố. Nhưng tôi là con trai trưởng trong gia đình, bố mẹ tôi nhất định không chịu để “mất” đứa cháu đích tôn. 

Vợ tôi là người giỏi giang, quen biết rộng, đã nắm rất rõ các quy định và khẳng định sẽ giành bằng được quyền nuôi con. 

Vậy Kiến thức luật có thể tư vấn giúp tôi,liệu tôi có bao nhiêu phần trăm sẽ giành được quyền nuôi con trai? Công việc của tôi không có lương ổn định, tôi phải làm sao để chứng minh mình đủ khả năng tài chính nuôi con. Tất nhiên sau này đón bé về, bố mẹ tôi sẽ hỗ trợ nhiều việc chăm sóc, nuôi dưỡng cháu.

Làm sao để giành quyền nuôi con khi thu nhập kém vợ?

Trả lời: Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi câu hỏi tư vấn đến Kiến thức luật. Câu hỏi của anh đã được các chuyên viên tư vấn nghiên cứu và trả lời cụ thể như sau:

Căn cứ theo khoản 2 điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ 7 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Như vậy, việc giao con cho ai nuôi phải căn cứ  quyền lợi về mọi mặt của đứa trẻ. Các yếu tố thường được xem xét gồm: tư cách đạo đức, lối sống, thời gian dành cho con, lứa tuổi, giới tính của con, việc làm, thu nhập, chỗ ở của cha, mẹ sau ly hôn… Với quy định nói trên, thu nhập cũng chỉ là một yếu tố để xem xét khi giao con cho ai nuôi. Tuy nhiên, thu nhập ở đây được hiểu là thu nhập của chính người được giao nuôi con chứ không phải của những người thân thích của người đó. Do vậy, dù cha mẹ bạn (ông bà nội của cháu bé) có điều kiện về kinh tế hay có thời gian chăm sóc cháu thì đây cũng không phải căn cứ để tòa án có thể giao con cho bạn nuôi nếu bản thân bạn không đủ điều kiện để nuôi con.

Chúng tôi cho rằng nếu bản thân bạn thấy chưa đủ điều kiện về kinh tế để nuôi con thì cũng nên cân nhắc việc giành quyền nuôi con. Việc bạn giành quyền nuôi con cần xuất phát từ quyền lợi tốt nhất của con chứ không nên vì các lý do khác.

Hơn nữa, Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình có quy định quyền của cha mẹ yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Theo đó, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây: cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con; người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Với quy định nói trên, khi bạn đã cải thiện được vấn đề thu nhập thì bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu tòa án xem xét lại việc cho bạn được nuôi con. Khi đó, mẹ của các con bạn cũng có thể tự nguyện giao con cho bạn nuôi.

Về vấn đề cháu đích tôn, đây chỉ là tập quán chứ không phải là căn cứ để xem xét khi giao con cho cha nuôi dưỡng. Trên thực tế, vấn đề này cũng có thể được tòa án chú ý xem xét nhưng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc vì quyền lợi mọi mặt của đứa trẻ. Thông thường, trong khoảng thời gian con cái có những thay đổi về tâm sinh lý thì giới tính của người được giao nuôi con sẽ được xem xét đến. Con trai được giao cho cha nuôi dưỡng, còn con gái thì được giao cho mẹ nuôi dưỡng để thuận tiện trong việc dạy bảo, chỉ dẫn con cái các vấn đề về giới.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!