Theo quy định của pháp luật mọi hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép ma túy đều là hành vi vi phạm pháp luật. Vậy trường hợp lôi kéo dụ dỗ người khác sử dụng trái phép chất ma túy sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự như thế nào? Qua bài viết này đội ngũ chuyên viên, Luật sư của văn phòng Luật sư Thủ Đô xin phân tích, bình luận để làm rõ cấu thành tội phạm của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy cũng như mức hình phạt của tội này dưới góc nhìn của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
– Thứ nhất, về mặt khách quan của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy:
+ Người phạm tội có hành vi rủ rê, dụ dỗ, xúi giục người khác sử dụng trái phép chất ma túy (thông thường là đối tượng tuổi còn trẻ hoặc là người chưa thành niên) để họ tự nguyện sử dụng trái phép chất ma túy.
+ Người phạm tội có hành vi dùng các thủ đoạn khác nhằm khêu gợi sự ham muốn của người khác để họ sử dụng trái phép chất ma túy.
Ví dụ: Có hành vi thử sử dụng ma túy trước mặt để họ nhìn thấy.
+ Người nào nghiện ma túy rủ người nghiện ma túy khác cùng sử dụng trái phép chất ma túy hoặc cùng đi mua chất ma túy để cùng sử dụng thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy. Tùy từng trường hợp mà họ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về tội tàng trữ hoặc vận chuyển trái phép chất ma túy hoặc tội sử dụng trái phép chất ma túy.
– Thứ hai, mặt chủ quan của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy:
Người thực hiện hành vi đối với tội này là do cố ý (cố ý trực tiếp), tức là nhận thức rõ hành vi của mình là hành vi trái pháp luật , thấy trước được hậu quả của hành vi và mong muốn cho hậu quả xảy ra.
– Thứ ba, về chủ thể của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy:
Chủ thể của tội phạm là con người cụ thể thực hiện hành vi phạm tội, theo quy định của Luật Hình sự họ phải chịu trách nhiệm về hành vi đó.Chủ thể của tội phạm này phải là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật Hình sự. Người phạm tội có thể là bất kỳ người nào có năng lực trách nhiệm hình sự và từ đủ 16 tuổi trở lên.
– Thứ tư, về khách thể của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy:
Các hành vi phạm tội nêu ở trên xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về quản lý, sử dụng các chất ma túy và gián tiếp xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe của người khác.
Về hình phạt, của tội lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy tại Điều 258 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định như sau:
– Một là, người nào rủ rê, dụ dỗ, xúi giục hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
– Hai là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm:
+ Có tổ chức;
+ Phạm tội 02 lần trở lên;
+ Vì động cơ đê hèn hoặc vì tư lợi;
+ Đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi;
+ Đối với phụ nữ mà biết là có thai;
+ Đối với 02 người trở lên;
+ Đối với người đang cai nghiện;
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60%;
+ Gây bệnh nguy hiểm cho người khác;
+ Tái phạm nguy hiểm.
– Ba là, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm:
+ Gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc gây chết người;
+ Gây bệnh nguy hiểm cho 02 người trở lên;
+ Đối với người dưới 13 tuổi.
– Bốn là, phạm tội trong trường hợp gây chết 02 người trở lên, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
– Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn