Câu hỏi: Xin chào Kiến thức luật, tôi có một vấn đề thắc mắc muốn nhờ Luật sư tư vấn cho tôi như sau: Tôi cưới chồng đến nay đã được 10 năm và có 2 con chung. Gần đây, chồng tôi có nghe người ngoài đồn thổi là tôi có quan hệ ngoài luồng với người khác (nhưng thực tế không phải như vậy) nên về nhà anh ấy chửi bới, chì chiết tôi, thậm chí còn rêu rao chuyện này với cả họ hàng, đồng nghiệp của tôi. Nhờ chuyên viên tư vấn cho tôi có thể đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành tinh thần được không?
Trả lời: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Kiến thức luật. Để giải đáp thắc mắc của bạn chúng tôi xin được tư vấn luật như sau:
1. Quy định của pháp luật về bạo hành tinh thần
Theo quy định của Luật Phòng chống bạo lực gia đình 2007, bạo lực gia đình là hành vi cố ý của các thành viên trong gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với các thành viên khác trong gia đình, do đó bạo hành tinh thần là một trong những hành vi của bạo lực gia đình và bị nghiêm cấm theo Điều 8 Luật này.
Khi bị bạo hành tinh thần, nạn nhân và gia đình nạn nhân có thể áp dụng các biện pháp sau:
- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp khác của mình, buộc người thực hiện hành vi chấm dứt ngay hành vi bạo hành tinh thần.
- Yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn, bảo vệ, cấm người có hành vi bạo hành tinh thần đến gần nạn nhân, sử dụng điện thoại hoặc các phương tiện thông tin khác để thực hiện hành vi bạo hành nạn nhân.
Theo đó, nếu tình trạng bạo hành tinh thần ngày càng trầm trọng, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân thì có thể yêu cầu Uỷ ban nhân dân hoặc Tòa án nhân dân nơi nạn nhân cư trú áp dụng các biện pháp ngăn chặn, bảo vệ. Đồng thời hành vi bạo hành tinh thần tùy theo tính chất, mức độ có thể bị xử phạt hành chính, xử lý kỉ luật, truy cứu trách nhiệm hình sự và bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Quy định của pháp luật về đơn phương ly hôn khi bị bạo hành tinh thần
Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, ly hôn là việc chấm dứt quan hệ vợ chồng theo bản án, quyết định của Tòa án.
Trong trường hợp một trong hai bên không đồng ý ly hôn hay nói cách khác khi ly hôn xuất phát từ ý chí của một bên vợ hoặc chồng thì người yêu cầu ly hôn phải chứng minh được việc ly hôn là có căn cứ thỏa mãn các điều kiện của pháp luật thì Tòa án mới thụ lý và giải quyết việc ly hôn.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Hôn nhân và gia đình, đơn phương ly hôn cần thỏa mãn những điều kiện sau:
- Có căn cứ về việc vợ hoặc chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng đến quyền, nghĩa vụ của vợ chồng, làm cho cuộc hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài được nữa, mục đích của cuộc hôn nhân không thể đạt được.
- Vợ hoặc chồng của người bị Tòa án tuyên bố mất tích yêu cầu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
- Có yêu cầu ly hôn của cha, mẹ, người thân thích khác yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng hoặc vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ thì Tòa án giải quyết cho ly hôn.
Theo đó, nếu có những căn cứ trên thì Tòa án sẽ giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương. Căn cứ vào vụ việc của chị, nếu chị có có căn cứ chứng minh mình là nạn nhân bị bạo hành tinh thần thì sẽ được Tòa án giải quyết yêu cầu ly hôn đơn phương đồng thời chị phải có nghĩa vụ chứng minh những căn cứ mà mình đã nêu trong đơn khởi kiện.
3. Thủ tục đơn phương ly hôn khi bị bạo hành tinh thần
Trường hợp đơn phương ly hôn được giải quyết theo các trình tự thủ tục tố tụng dân sự, trong đó bắt buộc trải qua thủ tục hòa giải tại Tòa án.
Bước 1: Vợ hoặc chồng nộp hồ sơ khởi kiện về việc xin ly hôn đơn phương tại Tòa án nhân dân cấp quận/huyện nơi bị đơn đang cư trú hoặc làm việc. Hồ sơ bao gồm:
- Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản chính).
- Chứng minh nhân dân của vợ và chồng (bản sao có chứng thực).
- Giấy khai sinh của các con nếu có(bản sao có chứng thực).
- Sổ hộ khẩu gia đình (bản sao có chứng thực).
- Đơn xin ly hôn (Theo mẫu) .
Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn khởi kiện cùng hồ sơ hợp lệ thì Tòa án sẽ thụ lý đơn và thông báo nộp tiền tạm ứng án phí.
Bước 3: Căn cứ thông báo của Tòa án, đương sự nộp tiền tạm ứng án phí tại Cục thi hành án và nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
Bước 4: Tòa án giải quyết vụ án đơn phương ly hôn và ra bản án, quyết định giải quyết vụ án.
Trên đây là phần giải đáp thắc mắc của Kiến thức luật đối với vấn đề đơn phương ly hôn khi bị chồng bạo hành về tinh thần. Nếu có bất kì vấn đề pháp lí nào còn vướng mắc, hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn luật kịp thời cho bạn nhé.
Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!