Mất giấy chứng nhận kết hôn phải làm gì?

Xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như trải qua quá trình chuyển nhà hoặc sinh sống lâu năm mà không sử dụng đến, nhất là với những gia đình ở vùng quê thì việc bảo quản chưa được kỹ lưỡng dẫn đến việc Mất giấy đăng ký kết hôn. Việc mất giấy chứng nhận kết hôn sẽ gây nên những bất lợi khi không may một trong hai bên muốn chứng minh quan hệ vợ chồng để mua nhà, bán nhà hoặc phục vụ vào nhiều giao dịch khác trong đời sống sẽ gây nên những khó khăn nhất định.Chính vì vậy, Kiến thức luật xin chia sẻ một vài phương án cần thiết khi mất giấy đăng ký kết hôn như sau:

mất giấy chứng nhận đăng ký kết hôn

1. Trường hợp thứ nhất

Theo quy định của pháp luật thì nếu bạn bị mất Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn nhưng trong Sổ hộ tịch của xã/phường nơi thực hiện việc đăng ký kết hôn trước đây vẫn còn lưu giữ lại thông tin về việc đăng ký kết hôn của vợ chồng, thì trong trường hợp này vợ/chồng sẽ không được cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn mà sẽ được cấp trích lục (bản sao) giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. 

2. Trường hợp thứ hai:

Theo quy định tại Điều 24 Nghị định 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 quy định chi tiết một số Điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch thì trong trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn của vợ/chồng bị mất đồng thời Sổ hộ tịch và bản chính giấy tờ hộ tịch cũng bị mất thì được đăng ký lại. Thủ tục và thẩm quyền đăng ký kết hôn lại được quy định tại Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cụ thể:

Theo khoản 1 Điều 25 Nghị định 123 quy định về thẩm quyền đăng ký lại khai sinh, kết hôn, khai tử thì: “Ủy ban nhân dân cấp xã, nơi đã đăng ký khai sinh, kết hôn trước đây hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người yêu cầu thường trú, thực hiện đăng ký lại khai sinh, kết hôn. Thủ tục đăng ký kết hôn lại được quy định tại Điều 27 Nghị định 123 như sau:

“1. Hồ sơ đăng ký lại kết hôn gồm các giấy tờ sau:

a) Tờ khai theo mẫu quy định;

b) Bản sao Giấy chứng nhận kết hôn được cấp trước đây. Nếu không có bản sao Giấy chứng nhận kết hôn thì nộp bản sao hồ sơ, giấy tờ cá nhân có các thông tin liên quan đến nội dung đăng ký kết hôn.

2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, công chức tư pháp – hộ tịch kiểm tra, xác minh hồ sơ. Nếu thấy hồ sơ đăng ký lại kết hôn là đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật thì công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện đăng ký lại kết hôn như trình tự quy định tại Khoản 2 Điều 18 của Luật Hộ tịch.

Nếu việc đăng ký lại kết hôn thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã không phải là nơi đã đăng ký kết hôn trước đây thì công chức tư pháp – hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân nơi đăng ký kết hôn trước đây kiểm tra, xác minh về việc lưu giữ sổ hộ tịch tại địa phương.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị, Ủy ban nhân dân nơi đã đăng ký kết hôn trước đây tiến hành kiểm tra, xác minh và trả lời bằng văn bản về việc còn lưu giữ hoặc không lưu giữ được sổ hộ tịch.

3. Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh về việc không còn lưu giữ được sổ hộ tịch tại nơi đã đăng ký kết hôn, nếu thấy hồ sơ đầy đủ, chính xác, đúng quy định pháp luật công chức tư pháp – hộ tịch thực hiện việc đăng ký lại kết hôn như quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày đăng ký kết hôn trước đây và được ghi rõ trong Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ hộ tịch. Trường hợp không xác định được ngày, tháng đăng ký kết hôn trước đây thì quan hệ hôn nhân được công nhận từ ngày 01 tháng 01 của năm đăng ký kết hôn trước đây”.

Trên đây là cách giải quyết tham khảo, bạn có thể đối chiếu để áp dụng cho trường hợp của mình.

Kiến thức luật chuyên hỗ trợ tư vấn pháp lý miễn phí. Nếu có vấn đề pháp lý cần được tư vấn, hỗ trợ hãy liên hệ với kiến thức luật để được hỗ trợ nhanh chóng. Trân trọng cảm ơn!